Nỗ lực bảo vệ đàn vật nuôi

04/11/2021 - 04:46

 - Thời điểm cuối năm 2021 và gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, trâu, bò, gà, vịt, trứng gia cầm… tăng lên. Tuy nhiên, thời tiết chuyển lạnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, đòi hỏi công tác phòng dịch, bảo vệ đàn vật nuôi cần được tập trung tối đa.

Dịch bệnh phức tạp

Ghi nhận trong cả nước, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều nơi trên phạm vi rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế (trên 2.000 tỷ đồng); riêng bệnh dại đã làm 42 người tử vong và khoảng 500.000 người phải điều trị dự phòng (tổn thất về kinh tế hơn 740 tỷ đồng).

Cụ thể, từ ngày 1-1 đến 26-10-2021, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 1.971 xã của 57 tỉnh, thành phố, với 158.331 con heo nhiễm bệnh, tiêu hủy 166.120 con. Bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại 103 xã của 31 tỉnh, thành phố, có 336.165 con gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy 402.314 con. Bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 87 xã của 18 tỉnh, thành phố, có 3.396 con gia súc mắc bệnh, tiêu hủy 348 con. Bệnh viêm da nổi cục (LSD) trên trâu, bò đã xảy ra tại 4.265 xã của 55 tỉnh, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 200.229 con, tiêu hủy 28.383 con.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp cho biết, dù dịch bệnh trên cả nước diễn biến phức tạp nhưng nhờ ngành chăn nuôi và thú y tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đẩy mạnh công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm nên hoạt động chăn nuôi được duy trì ổn định. Đến nay, đàn trâu, bò vẫn tăng nhẹ và phát triển ổn định, đàn gia cầm và đàn heo khá phát triển, nhiều trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế và kiểm soát tốt.

Đàn heo phát triển tốt

Thống kê đến cuối tháng 9-2021, toàn tỉnh có khoảng 68.700 con trâu, bò (trong đó, đàn bò 66.400 con, tăng 900 con); đàn heo thịt có hơn 57.500 con; đàn gia cầm hơn 4,9 triệu con (vịt hơn 3,6 triệu, gà 1,3 triệu con); sản phẩm chăn nuôi đạt gần 19.800 tấn (tăng 2.300 tấn). Các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã đã tăng cường trách nhiệm, thực hiện rà soát, tham mưu danh sách hệ thống sản xuất, cung ứng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 để chuỗi sản phẩm không bị đứt gãy. Việc phát triển ổn định đàn vật nuôi đã kéo giá trị sản xuất (GO) chăn nuôi trong 9 tháng tăng thêm khoảng 31,4 tỷ đồng so cùng kỳ 2020, đạt 60% kế hoạch năm 2021.

Bảo vệ tối đa

Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn An Giang ngày càng thu hút doanh nghiệp tham gia. Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng tại huyện Tịnh Biên (trại An Giang 3) đã thả nuôi 944 con heo nái và 5 con heo nọc giống Đan Mạch; dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại tỉnh An Giang của Tập đoàn TH đang xây dựng chuồng trại.

Bên cạnh đó, còn có các dự án đang xin chủ trương đầu tư năm 2021, như: Công ty Cổ phần XNK Xanh Việt (đầu tư nuôi heo công nghệ cao quy mô 16.000 con); Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nông nghiệp công nghệ cao MPA (đầu tư chăn nuôi 1.000 con bò sữa cao sản nhập khẩu và 500 con bò thịt); Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú (trang trại chăn nuôi vịt thịt quy mô 120.000 con/lứa)...

Cùng với phát triển đàn, ngành chăn nuôi và thú y toàn tỉnh còn thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đẩy mạnh công tác tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay, trên đàn gia súc, gia cầm tỉnh chỉ xảy ra lẻ tẻ một số bệnh, như: cảm nóng say nắng, bỏ ăn, Ecoli, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đều được lực lượng thú y can thiệp kịp thời và điều trị khỏi. Đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, xảy ra lũy kế tại 8 huyện (56 xã, 122 ấp với 337 hộ) là 783 con, cũng được điều trị khỏi toàn bộ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang Trần Tiến Hiệp, từ nay đến cuối năm 2021, tình hình thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi. Việc gia tăng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật để phục vụ nhu cầu vào dịp cuối năm là một trong những nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. “Để bảo đảm sức khỏe cho đàn vật nuôi, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho các tháng cuối năm và thị trường Tết Nguyên đán” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang đã chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện quan tâm, kiểm tra, nhắc nhở hệ thống nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường, thị trấn cập nhập số liệu thường xuyên vào phần mềm quản lý chăn nuôi. Ngành chăn nuôi và thú y tăng cường vận động người chăn nuôi thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi; thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, xác định và định hướng phát triển vật nuôi chủ lực của tỉnh (heo, trứng vịt, bò sữa), tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó nuôi và tập trung khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

NGÔ CHUẨN