Nỗ lực chuyển giao giống gia cầm chất lượng cao vào sản xuất

09/03/2021 - 08:13

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai liên tiếp xảy ra, năm 2020, ngành chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn. Song, nhờ chủ động trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, con giống, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã góp phần tích cực cho các địa phương, người chăn nuôi khôi phục, tăng đàn, bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Là đơn vị nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo giống gia cầm có thương hiệu trong cả nước, nhiều năm qua, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã nỗ lực nghiên cứu, chọn tạo các dòng gà lông mầu, dòng ngan, vịt và đà điểu có giá trị kinh tế, cung ứng ra thị trường hàng trăm nghìn con giống bố mẹ để sản xuất ra hàng chục triệu gia cầm thương phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Năm 2020, Trạm nghiên cứu chăn nuôi (NCCN) gia cầm Thụy Phương sản xuất hơn 749 nghìn gà con, 371.323 con ngan, 251.898 con vịt; Trạm NCCN gà Phổ Yên sản xuất 2.180.084 con gà giống; Trạm nghiên cứu gia cầm Cẩm Bình chuyển giao 1.205.216 vịt con giống, ngan 571.555 con, cung ứng 142.605 gà giống; Trạm nghiên cứu đà điểu Ba Vì với quy mô 303 con, sản xuất 5.067 đà điểu con, trong đó cung ứng cho sản xuất 4.035 con giống...

Chăm sóc gà bản địa tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Ảnh: THÁI HÒA

Cùng với việc cung ứng con giống, Trung tâm đã phối hợp nhiều địa phương trong toàn quốc xây dựng một số mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học đạt hiệu quả tốt, như các mô hình: Chăn nuôi gà lông mầu hướng thịt bố mẹ TP và gà thương phẩm hướng trứng HA, hướng thịt TP tại tỉnh Hà Nam. Chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAP theo chuỗi giá trị ở vùng cát tỉnh Quảng Trị. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học (lợn rừng lai, gà thả vườn) trong chuỗi giá trị khép kín tại tỉnh Tuyên Quang. Mô hình chăn nuôi gà lai hướng trứng HA theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Bắc Giang; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản, thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương; thực hiện chuyển giao quy trình công nghệ chăn nuôi gà chọi lai CLV với quy mô 30 nghìn con tại huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An nhằm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn và bền vững, đáp ứng mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...

Chia sẻ về hiệu quả từ chăn nuôi gia cầm, bà Bùi Thị Lan - một chủ hộ chăn nuôi ở xã Ðồng Tâm (Lạc Thủy, Hòa Bình) cho biết: Trang trại của gia đình tôi nuôi hàng nghìn gà trứng HA của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương. Giống gà này có ưu điểm là tỷ lệ nuôi sống cao, năng suất trứng đạt khoảng 240 quả/mái/năm. Nhờ vậy, gia đình tôi có thu nhập ổn định và tăng lên. Như gia đình bà Lan, nhiều hộ chăn nuôi khác, nhất là tại các tỉnh miền trung - nơi bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai trong năm qua cũng đã được Trung tâm kịp thời hỗ trợ con giống gia cầm cho người dân khôi phục sản xuất sau thiên tai, lũ lụt. Trung tâm đã triển khai hai mô hình nuôi úm 10.000 gà giống đến 21 ngày tuổi và 20.000 gà giống một ngày tuổi tại hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ðồng thời, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương tổ chức úm 10.600 gà giống đến 21 ngày tuổi và 10.000 gà giống một ngày tuổi hỗ trợ cho người chăn nuôi tỉnh Quảng Trị.

Ðể chọn lọc, lai tạo, sản xuất nhiều giống gia cầm chất lượng cao, Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi giữ đàn giống gốc, thích nghi; nghiên cứu, triển khai nhiều đề tài, dự án, các công trình khoa học công nghệ..., như: Nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà lông mầu hướng thịt, hướng trứng cho năng suất chất lượng cao phục vụ cơ cấu lại ngành chăn nuôi; nghiên cứu chọn tạo hai dòng ngan từ ngan R41 nhập nội và ngan trâu Việt Nam; chọn tạo hai dòng ngan năng suất cao từ nguồn nguyên liệu ngan Pháp R71SL nhập nội; chọn tạo hai dòng vịt siêu thịt từ nguồn nguyên liệu vịt Star 53 nhập nội; sản xuất thử nghiệm ba tổ hợp lai gà bố mẹ từ ba dòng gà lông mầu VCN/TP-TN1, VCN/TP-TN2 và VCN/TP-TN3; hoàn thiện quy trình công nghệ chăn nuôi gà chuyên trứng GT tại một số tỉnh phía bắc; xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm tại chỗ cho một số tỉnh miền trung và Tây Nguyên... Ðồng thời, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng: Nghiên cứu chọn lọc ổn định năng suất một số dòng ngan, vịt mới chọn tạo và thử nghiệm một số tổ hợp lai có năng suất chất lượng cao; nghiên cứu chọn lọc ổn định bốn dòng đà điểu BV1, BV2, BV3, BV4 và đánh giá năng suất một số tổ hợp lai nuôi thịt. Ngoài ra, còn nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn sinh học, thú y phòng bệnh, môi trường chăn nuôi. Năm 2020, hai sản phẩm khoa học công nghệ của Trung tâm đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật, bao gồm: Vịt chuyên thịt bố mẹ (trống CT12, mái CT34) và con lai thương phẩm CT1234; Tổ hợp lai gà bố mẹ (trống TN1 và mái TN32) và gà thương phẩm TN132.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương Nguyễn Quý Khiêm cho biết: Năm 2021, Trung tâm tập trung thúc đẩy việc khai thác có hiệu quả cơ sở chuồng trại, trang thiết bị chuồng nuôi tại các trạm, xây dựng kế hoạch quy mô đàn cho từng khu vực bảo đảm chu chuyển hợp lý, tranh thủ thời cơ của thị trường để nâng, giảm quy mô sản xuất phù hợp. Lập kế hoạch chu chuyển cho đàn gia cầm, trong đó đi sâu vào năng suất sinh sản, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Tăng cường quảng bá - tư vấn kỹ thuật và có giải pháp về thị trường, tăng sức cạnh tranh của con giống. Thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y bảo đảm an toàn sinh học cho đàn gia cầm. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế; vận dụng sáng tạo các định hướng chiến lược phát triển ngành trong việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời chú trọng cải thiện, tăng năng suất, chất lượng giống gia cầm.

Theo ANH QUANG (Báo Nhân Dân)