“Nóng, lạnh” của thị trường
Gia đình bà Phan Thị Huỳnh Như (nông dân (ND) xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) có 1ha đất trồng lúa, 5 năm trước, có thời điểm, lúa thương phẩm rớt giá khiến việc sản xuất bị thua lỗ nặng.
Trước tình cảnh đó, bà Như đã mạnh dạn chuyển 3,3 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài keo. Trồng được 3 năm, vườn xoài nhà bà Như cho thu hoạch, vụ đầu tiên xoài keo cho năng suất lên đến 11 tấn. Năm đó, bà bán được 240 triệu đồng, gia đình bà thoát nghèo.
“Trong 3 năm từ 2014-2016 là thời điểm xoài keo có giá, có lúc xoài loại 1 (da vàng, đẹp) thương lái mua đến 37.000 đồng/kg, dân ven biên nhờ trồng xoài mà thoát nghèo. Một công xoài cho doanh thu lên đến 80 triệu đồng…” - bà Như chia sẻ.
Chủ vườn bỏ mặc xoài ngoài đồng
Xoài keo là loại cây trái vừa có thể ăn sống, vừa có thể ăn chín. Trái khi còn sống, da màu xanh nhưng ruột màu vàng. Khi ăn, xoài vừa chua lại vừa ngọt nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Xoài keo là loại sản phẩm rất có giá trị đối với sức khỏe con người
|
Toàn tỉnh hiện có trên 500ha đất trồng xoài keo và các loại xoài khác, tập trung nhiều ở TX. Tân Châu và các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới… “7 năm nay, xoài keo xuất khẩu sang các quốc gia: Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc… vì vậy, giá xoài tăng lên rất nhanh.
Ngoài xuất khẩu, xoài được tiêu thụ trong nước như: dùng để ăn sống hoặc các nhà máy chế biến rau, quả mua ép làm nước trái cây xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Do phương thức mua, bán đa phần là “mua đầu chợ, bán cuối chợ” nên giá xoài luôn dao động trong biên độ lớn, từ đó làm cho thị trường xoài keo luôn “nóng, lạnh” bất thường, nhiều nông hộ đã phải trắng tay khi xoài rớt giá” - ông Vương Hoàng Bá (thương lái xoài ở thị trấn Long Bình, An Phú) chia sẻ.
Mua, bán tự do
Khảo sát tại các xã ven biên giới như: Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân Thạnh (TX. Tân Châu), Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội, Quốc Thái (An Phú)… đa phần hộ trồng xoài không ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, mà chỉ bán “tự do” cho thương lái.
Chính phương thức mua, bán này đã tạo điều kiện cho nhiều thương lái ven biên lẫn nội địa giàu lên nhanh chóng, nhờ sự “nóng, lạnh” bất thường của thị trường.
Ban đầu, ND chuyên trồng xoài, còn thương lái thì chuyên bán. Hiện nay, một số thương lái đã chuyển sang trồng hoặc thuê xoài gốc để phun, xịt cho xoài ra hoa, từ đó họ có điều kiện thao túng thị trường.
“Phương thức mua, bán xoài keo bây giờ giống như mua, bán cá tra cách đây 10 năm. Nghĩa là mua, bán tự do chứ không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. ND thấy xoài có giá, “đua” nhau chuyển đất trồng lúa sang trồng xoài.
Nông hộ trồng xoài nên đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới để có người đại diện giao dịch mua, bán với các doanh nghiệp. Hình thức mua, bán “tự do” bây giờ bộc lộ quá nhiều yếu điểm” - Phó Chủ tịch Hội ND xã Vĩnh Xương Lê Văn Đẳng đề xuất.
Xoài keo rớt giá đã kéo theo xoài Đài Loan (xoài 3 màu) cũng rớt theo. Không chỉ có hộ trồng xoài ven biên mà các hộ trồng xoài trong nội địa cũng lao đao. Nhiều hộ đứng ra thuê xoài gốc, xử lý cho ra hoa đều bị thua lỗ nặng.
“Giá xoài rớt xuống thấp, hộ có đất nhà trồng xoài theo phương thức tự nhiên thì không lỗ, ai đi thuê xoài gốc, xử lý cho ra hoa thì thua lỗ hết vì mỗi công, tiền mua phân, thuốc bón cho xoài cũng phải mất ít nhất là 4 triệu đồng/công…” - bà Trần Thị Lệ (người thuê xoài gốc ở xã Vĩnh Xương) chia sẻ.
Hiện nay, đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, vì vậy ND trong tỉnh cần thay đổi phương thức sản xuất và mua, bán sao cho phù hợp. Cần đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới để giảm thiểu rủi ro, “mua có bạn, bán có phường”, cùng nhau chia sẻ thông tin, lợi nhuận để sản xuất - kinh doanh bền vững.
“Lợi nhuận của xoài keo là rất lớn, vì vậy ND đổ xô trồng. năm 2016-2017, xoài keo loại 1 (da màu vàng, đẹp) có lúc được thương lái mua xuất sang Trung Quốc với giá 37.000 đồng/kg. Với mức giá này, trồng xoài keo cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với xoài cát Hòa Lộc, chính vì vậy nhiều người đã lên liếp trồng xoài. Đa phần ND chỉ biết trồng, còn thị trường là do thương lái quyết định…” - bà Phan Thị Huỳnh Như (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ
|
Bài, ảnh: MINH HIỂN