Nông dân Châu Thành đổi mới tư duy sản xuất

24/05/2022 - 05:58

 - Những năm qua, nông dân huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh cây lúa, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành quan tâm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất mời gọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra nông sản, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ông La Tráng Kiện (ngụ xã Vĩnh Thành) tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và hợp tác sản xuất. Ông Kiện ký kết hợp đồng bao tiêu 8ha đậu nành rau với Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang. Theo ông Kiện, đậu nành rau trồng hơn 2 tháng cho thu hoạch, năng suất khoảng 11 tấn/ha, được công ty thu mua với giá 10.500 đồng/kg (tại nhà máy). Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi từ 35-40 triệu đồng/ha.

“Ngoài việc được cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm, công ty thường xuyên hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh, giúp cây đậu nành rau đạt năng suất và chất lượng tốt nhất. Đầu ra được đảm bảo, lợi nhuận ổn định nên tôi an tâm canh tác” - ông Kiện chia sẻ.

Mô hình “Cánh đồng lớn” mang lại lợi ích thiết thực cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp. Khi tham gia mô hình, nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất, nhờ giảm bớt khâu trung gian cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, được kỹ sư của doanh nghiệp tư vấn áp dụng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hợp tác thu hoạch và tiêu thụ...

Ngoài ra, mô hình “Cánh đồng lớn” còn giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm đúng theo nhu cầu, chất lượng được kiểm soát và giải quyết vấn đề khó khăn trong tiêu thụ lúa cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Hồ (ngụ thị trấn Vĩnh Bình) cho biết: “Bây giờ làm lúa mà chỉ có kinh nghiệm thì chưa đủ, phải biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết trong sản xuất lẫn tiêu thụ. Tuy vẫn còn có một vài bất cập, nhưng nhìn chung mô hình “Cánh đồng lớn” được xem là giải pháp mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân”.         

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành tích cực hỗ trợ, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu canh tác, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, giống phù hợp với từng vùng để tăng năng suất, sản lượng theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Đồng thời, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, phương thức canh tác công nghệ cao vào sản xuất; sáng tạo, linh hoạt trong kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch sinh thái để phát triển kinh tế.

Nhiều nông dân trên địa bàn huyện bắt đầu tìm tòi, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP; trồng màu, cây ăn trái trong nhà kính, nhà lưới, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa có nguồn nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường. 

Sau thời gian nghiên cứu, học tập, tìm hiểu, anh Phan Thành Chiến (ngụ xã Vĩnh Nhuận) phát triển thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên 1.500m2 đất. Hiện tại, vườn dưa lưới của anh Chiến mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Theo anh Chiến, dưa lưới được trồng khoảng 90 ngày cho thu hoạch, sản lượng 3,5-4,5 tấn/1.000m2, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. “Nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất cũ, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu có hại, đảm bảo chất lượng sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Mình phải thường xuyên thay đổi và thích ứng mới thành công được” - anh Chiến chia sẻ.

Thời gian tới, huyện Châu Thành thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hiện đại, gắn với khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

TRUNG HIẾU