Nông dân cùng xây dựng kinh tế hợp tác

04/09/2023 - 07:12

 - Mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) là khởi điểm phát triển kinh tế tập thể. Đồng thời, khơi dậy tinh thần “Tương thân tương ái”, hội viên, nông dân cùng giúp nhau làm kinh tế gia đình, thông qua hình thức hùn vốn, cây giống, con giống, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Phú Long là xã vùng sâu của huyện Phú Tân, sản xuất thuần nông, còn nhiều khó khăn. Địa phương nỗ lực khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để nâng cao đời sống người dân. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện được nông dân xã hưởng ứng tích cực.

Những mô hình triển vọng được nhân rộng, tập hợp hội viên cùng lĩnh vực ngành nghề vào chi, tổ hội. Điển hình như: Chi hội nông dân chăn nuôi dê, chi hội trồng lúa chất lượng cao, tổ nông dân ươm cá bông giống, tổ trồng mai kiểng, tổ trồng mít Thái, tổ nghề mộc, nuôi bò… đang hoạt động hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Long Trần Văn Tươi cho biết, thông qua các mô hình, hội đề xuất Quỹ  Hỗ trợ nông dân cho hội viên vay trên 570 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Đồng thời, vốn vay ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ trên 4,8 tỷ đồng.

Các ngành tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 765 hộ dân. 5 năm qua, có 20 hộ thoát nghèo, nhiều cá nhân được vinh danh vì mô hình mới, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế… Xã Phú Long hiện có hơn 2.300 nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi 4 cấp.

Hợp tác sản xuất giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm

Huyện Phú Tân hiện có 20 HTX với 2.677 thành viên; 100% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong 5 năm qua, chú trọng nâng chất HTX, huyện vừa giải thể đơn vị hoạt động yếu kém, vừa thành lập mới 5 HTX nông nghiệp.

Qua đó, phục vụ 4.114ha, với 1.567 thành viên; phục vụ ngoài thành viên 14.728ha, 6.241 người. Mỗi HTX có từ 3 - 5 dịch vụ, riêng HTX Phú Thạnh có 15 dịch vụ, quy mô vốn điều lệ bình quân 1,4 tỷ đồng, doanh thu bình quân là 2,7 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động tại chỗ.

Cùng với đó, huyện có 135 THT, với 1.377 thành viên; 70 câu lạc bộ nông dân, với 1.765 thành viên; thành lập 13 chi hội nông dân nghề nghiệp; 130 tổ hội nông dân nghề nghiệp, giúp nông dân cùng hợp tác làm ăn, thu hút hội viên nông dân tham gia tổ chức hội.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Lê Văn Ẩn cho biết, hầu hết HTX, THT, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động tốt, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Ngoài ra, kinh tế hợp tác còn là cầu nối thực hiện chuỗi liên kết với doanh nghiệp (DN) giải quyết đầu vào, đầu ra sản phẩm, tạo nền sản xuất an toàn để nông dân an tâm sản xuất. Do đó, Hội Nông dân huyện phối hợp ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tham gia chuỗi giá trị sản xuất tiêu thụ lúa, nếp, rau màu, chăn nuôi, thủy sản với công ty, DN, tháo gỡ vấn đề “được mùa mất giá”. Hiện, 12 công ty, DN trong và ngoài huyện liên kết 9.100ha (lúa, nếp 7.300ha; rau màu các loại 1.800ha).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HTX, THT còn không ít khó khăn. Chủ yếu là cung cấp dịch vụ khiêm tốn, hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa cao, trình độ quản trị hạn chế, tham gia liên kết với DN chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, ở mô hình THT, một số nơi vốn đầu tư thấp, thành viên ít, hoạt động chưa phong phú... khó thu hút thành viên tham gia.

Theo ông Lê Văn Ẩn, để giải quyết vấn đề trên, cần nhiều giải pháp đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, nhất là sự đồng thuận của Nhân dân. Trong vai trò của mình, hội nông dân tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến kinh tế hợp tác.

Về lâu dài, việc phát triển HTX, THT phải gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phù hợp tình hình thực tế. Song song với việc củng cố, kiện toàn, phát triển, thành lập mới HTX, THT, câu lạc bộ nông dân… địa phương sẽ tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm cho mô hình kinh tế hợp tác, để tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận siêu thị, đáp ứng nhu cầu thị trường. Giải pháp cần quan tâm kế đến là tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với phương châm “Trách nhiệm - lợi ích - bền vững”.

Cùng với đó, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp để được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi nội đồng, nhất là vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các ngành, các cấp cần phối hợp triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng mô hình kinh tế tập thể, phương tiện, trang thiết bị chế biến, kho bãi...

Ngoài ra, cần nhân rộng mô hình DN tham gia góp vốn, quản lý điều hành; tranh thủ chương trình hỗ trợ nhân sự có trình độ đại học, cao đẳng làm việc có thời hạn tại HTX trong lĩnh vực nông nghiệp…

MỸ HẠNH