Nông dân liên kết làm vườn

01/03/2023 - 07:05

 - Chuyển đổi diện tích đất lúa, nếp, vườn tạp… kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng bưởi da xanh đã giúp nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) có cuộc sống khấm khá hơn. Gần đây, huyện Phú Tân đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nông dân giỏi bưởi da xanh xã Phú Thạnh, tập hợp nông dân giỏi, canh tác bưởi da xanh trên địa bàn. Cách làm này đã giúp nông dân có thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật canh tác, ổn định đầu ra.

Nông dân giỏi hợp tác làm ăn

Thời gian qua, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng từ vùng đất vườn tạp; đất trồng lúa, nếp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đang tạo sức lan tỏa và được nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đồng tình hưởng ứng. Mặt khác, để phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện phối hợp các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân từng bước chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó, tập trung phát triển các loại hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Điển hình, CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh.

Ông Nguyễn Tự Điển (Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thạnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh) cho biết, qua khảo sát thực tế và nhu cầu của nông dân, Hội Nông dân huyện đã tổ chức vận động, tập hợp nông dân trồng bưởi trên địa bàn thành lập mô hình kinh tế tập thể với tên gọi CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh.

CLB đi vào hoạt động từ tháng 5/2020, gồm 48 thành viên, ban chủ nhiệm 5 người, với diện tích thực hiện của CLB 20,3ha. CLB được tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, xây dựng quy chế hoạt động, tạo nhóm Zalo thường xuyên chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, đóng góp ý kiến hữu ích và mời thành viên tham gia sinh hoạt…

Ngoài những lợi ích về kỹ thuật canh tác, việc liên kết nông dân giỏi trồng bưởi còn mang lại những hiệu quả đáng kể về mặt kinh tế

Theo ông Điển, các nội dung sinh hoạt CLB gồm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; chính sách về vốn ưu đãi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thông tin thị trường…

Ngoài ra, các thành viên được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; đề xuất những thắc mắc liên quan đến các ngành chuyên môn của huyện… Nhờ vậy, các thành viên gặp nhiều thuận lợi trong quá trình canh tác, cây trồng phát triển thuận lợi hơn, hạn chế sâu bệnh, đảm bảo năng suất cây trồng.

Vào những buổi sinh hoạt định kỳ, Chủ nhiệm CLB sẽ tiến hành khảo sát những vườn bưởi của thành viên. Tại đây, nếu phát hiện những cây chậm phát triển, có dấu hiệu suy yếu… sẽ đánh giá khả năng cây có bị nhiễm bệnh hay không.

Từ đó, tiến hành mời cán bộ kỹ thuật đến vườn để nhận dạng bệnh hại và trao đổi hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phương pháp xử lý thuốc và bón phân để các thành viên áp dụng.

Trong quá trình khảo sát mô hình, cán bộ kỹ thuật còn chia sẻ kinh nghiệm xử lý ra hoa và phun thuốc để cây cho trái đồng loạt. Nhờ vậy, giúp nông dân sản xuất nông sản tập trung số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Nâng cao hiệu quả kinh tế

Bên cạnh việc định hướng sinh hoạt hàng tháng, các thành viên trong CLB còn được Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thông qua các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, các thành viên tiếp cận phương pháp sản xuất mới, cách làm hiệu quả, giúp việc canh tác hiệu quả hơn. 

Ngoài những lợi ích về kỹ thuật canh tác, việc liên kết nông dân còn mang lại hiệu quả đáng kể về mặt kinh tế. Ông Điển cho biết, đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh, từ ban chủ nhiệm cho đến các thành viên luôn đoàn kết thống nhất trong việc hợp tác cùng nhau để sản xuất. CLB có sự lan tỏa rộng rãi và được sự quan tâm nhiều nông dân tham gia, trong đó có cả các huyện lân cận.

Đặc biệt, bưởi được nhiều công ty, trong đó có Công ty THAVI MEKONG FARM TP. Long Xuyên liên kết thu mua với giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg đối với sản phẩm nông sản loại 1, số còn lại bán cho thương lái với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, các thành viên trong CLB vô cùng phấn khởi.

Từ những kết quả trên có thể thấy, mô hình CLB nông dân giỏi bưởi da xanh Phú Thạnh đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút, tập hợp nhiều nông dân tham gia trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các thành viên.

Thông qua mô hình liên kết đồng thời truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến người dân; phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Từ đó, góp phần cùng địa phương định hướng sản xuất theo chuỗi liên kết, phù hợp với nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay.

ĐỨC TOÀN