Nông dân phấn khởi quay về chuỗi liên kết nông sản

30/08/2021 - 07:01

 - Trải qua một mùa vụ đầy khó khăn, thua lỗ do tác động từ dịch bệnh COVID-19, nông sản làm ra thương lái không thu mua hoặc thu mua với giá quá thấp. Nhiều nông dân đang có xu hướng quay về chuỗi liên kết, hợp tác sản xuất để tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh An Giang.

Đã kết thúc vụ hè thu hơn nửa tháng nay, nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày cuối vụ, anh Trịnh Văn Dứt (ngụ ấp Tây Bình A, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vẫn còn buồn. Bởi chỉ mới “ăn” được một vụ đông xuân trúng mùa, trúng giá thì đến vụ hè thu phải chịu cảnh lúa đến ngày thu hoạch không tìm được thương lái thu mua, đến khi tìm được lại bị ép giá.

Anh Dứt chia sẻ: “Thương lái đặt cọc giá 5.200 đồng/kg cho giống lúa OM380, tới ngày thu hoạch không đến, hẹn lần hẹn lựa, đến khi lấy lúa thì tự giảm giá còn 4.800 đồng/kg, với lý do là anh em phải test nhanh, test PCR nhiều quá, phải trừ tiền để bù vào khoản đó. Cân lúa xong, tính toán lại tôi lời không đến 500.000 đồng/công. Với 75 công ruộng canh tác, phần lớn là ruộng thuê, nên tôi phải bù lỗ tiền thuê ruộng”.

Không thể chịu cảnh lam lũ suốt 3 tháng trời, không kiếm được đồng nào mà còn phải bù lỗ nên vụ thu đông này, anh Dứt quyết định hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời. “Tôi tham gia liên kết với DN được vài lần, sau tính tự làm riêng để chủ động hơn trong công việc đồng áng. Vậy mà, đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi thấy mọi thứ đều bị động, không như mong muốn” - anh Dứt chia sẻ.

Vậy là anh Dứt quyết định ký hợp đồng sản xuất tất cả 75 công ruộng với DN. Vụ này, anh đăng ký sản xuất giống OM5451 và xuống giống hơn nửa tháng nay. Anh Dứt được DN hỗ trợ tất cả chi phí: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đến tất cả các khoản tiền công phục vụ việc cày xới, bơm nước… theo định mức. Đến ngày thu hoạch, DN sẽ thu 5,5 tấn/ha với giá 9 triệu đồng, nếu sản lượng thu hoạch vượt mức, đó là phần lợi nhuận và được DN thu mua theo giá vào thời điểm thu hoạch.

Ảnh: HOÀNG VŨ

Với cách làm này, theo tính toán của anh Dứt có thể lợi nhuận không nhiều, nhưng đổi lại ruộng lúa của anh yên tâm về đầu ra và không còn cảnh phụ thuộc. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, nếu tiết kiệm được nhân công, phân bón, thuốc BVTV và tăng năng suất vẫn có thêm lợi nhuận. Cùng xuất phát từ nỗi lo do tác động dịch bệnh COVID-19 hay bất kỳ rủi ro nào sẽ đến, nên anh Trần Thanh Hoàng (nông dân ấp Vĩnh Tây, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) chọn cách hợp tác sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời.

Anh Hoàng cho hay, vụ này anh sẽ xuống giống lúa OM5451 với diện tích 6ha hợp tác với DN, 8ha còn lại sẽ tự làm. Thời điểm này, anh Hoàng đang dọn đất, đợi đến đúng lịch gieo sạ đợt 2 sẽ thông báo nhân viên DN để tiến hành gieo sạ. 

“Tham gia hợp tác sản xuất cùng có cái lợi là được cấp giống, phân bón, thuốc BVTV theo định mức, tôi không phải bỏ tiền ra để thanh toán các khoản chi phí, như: làm đê, dọn bờ, cày xới, đánh đường nước, mua thuốc diệt chuột, công sạ, rải phân, xịt thuốc… Các khoản chi phí này sẽ được thanh toán theo từng đợt. Đến ngày thu hoạch, tôi chỉ cần giao 5,5 tấn/ha và nhận lại 9 triệu đồng; năng suất thấp phải bù, cao hơn thì hưởng chênh lệch. Một số nông dân khác ngại không dám tham gia vì sợ không có lợi nhuận, nhưng theo tính toán của tôi, DN đầu tư từ đầu vụ đến cuối vụ và thu mua tương đương với giá nông dân bán ra tầm 5.900-6.000 đồng/kg, vậy là vừa với đôi bên” - anh Hoàng chiết tính. 

Thực tế cho thấy, do tác động từ việc tăng giá vật tư phân bón, thuốc BVTV, thuê nhân công, thu hoạch lúa trong kỳ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm chậm quá trình thu mua, do thương lái và đội ngũ thu mua phải chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19… đã làm cho nông dân phải nghĩ đến việc quay lại các chuỗi liên kết, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ để nông sản có được đầu ra ổn định hơn. 

Tại cuộc họp bàn về phát triển nông nghiệp giữa huyện Thoại Sơn với Tập đoàn Lộc Trời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Huyện ủy Thoại Sơn đã thống nhất cải tổ mạnh mẽ các hợp tác xã để có thể làm đầu mối liên kết, hợp tác với các DN đặt hàng và bao tiêu đầu ra các loại nông sản, chủ lực là lúa ở các vụ mùa sắp tới. Cùng với đó, tăng cường khuyến khích người dân quay trở lại hoặc tham gia mới vào các chuỗi liên kết sản xuất. Nhất là các DN cần xây dựng lòng tin, tạo điều kiện hỗ trợ và đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu cho nông dân. Được vậy mới có thể phát triển mô hình hợp tác sản xuất bền vững và ngày càng phát triển.

TRÚC PHA