Mô hình SX rau an toàn của Tổ hợp tác rau an toàn xã Long An (TX. Tân Châu)
Nâng cao năng suất, chất lượng
Năm 2017, diện tích gieo trồng cả năm đạt trên 31.000ha, trong đó lúa đạt 27.975ha, hoa màu 3.595ha, sản lượng lúa ước đạt 184.635 tấn. Năng suất bình quân vụ đông xuân đạt trên 7 tấn/ha.
Những năm qua, để đưa nền nông nghiệp (NN) tham gia sâu vào tiến trình hội nhập, Hội ND TX. Tân Châu đã vận động hội viên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, thay vì chạy theo năng suất như trước đây.
ND ở địa phương hiện nay đã đi vào con đường làm ăn hợp tác, thông qua mô hình tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX), triển khai mô hình “Cánh đồng lớn” để sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.
“Trước đây, người ND hay hỏi nhau vụ này năng suất đạt bao nhiêu? Nay, họ không còn hỏi về năng suất mà chỉ hỏi, lợi nhuận thu được là bao nhiêu. Chất lượng sản phẩm có được người tiêu dùng chấp nhận hay không? Sản phẩm làm ra bán cho ai, bán ở đâu? Bán có hợp đồng hay không? Điều này cho thấy, tư duy SX của người ND đã có sự thay đổi lớn, đã biết SX theo tín hiệu của thị trường…” - ông Nguyễn Văn Reo (ND SX giỏi xã Long An, TX. Tân Châu) chia sẻ.
Gia đình ông Reo có 2,4ha đất SXNN. Hưởng ứng quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trên diện tích 2,4ha, ông Reo dành 2ha để trồng lúa, 4 công đất còn lại trồng xoài cát Hòa Lộc.
Ông Reo cho biết, hiện nay gia đình ông có thu nhập quanh năm, chứ không phải như trước đây chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa. Ông đã đa dạng hóa nguồn thu nhập của gia đình bằng cách cải tạo vườn tạp để trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu, trồng dừa dứa bán cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Doanh thu từ mô hình này gần 200 triệu đồng/công/năm.
Đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi
Ở TX. Tân Châu ngày nay, không chỉ có gia đình ông Reo mà hàng chục ngàn hộ gia đình ND khác trên địa bàn đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; triển khai mạnh mẽ các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” hoặc mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu…, nên lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích đất ngày càng nâng cao, có mô hình đạt trên 150 triệu đồng/công/năm, như: mô hình trồng bưởi da xanh xuất khẩu ở xã Phú Vĩnh; mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc xuất khẩu ở xã Vĩnh Xương.
“Ngoài trồng lúa, Hội ND thị xã còn vận động ND đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, vật nuôi. Cụ thể, đã có 609ha đất SX lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế cao. SX gắn với thị trường và ND đã chuyển đổi được nhận thức, đó là: “Bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có”. Chính từ việc chuyển đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng nên chất lượng cây trồng, vật nuôi đã được thị trường chấp nhận” - Phó Chủ tịch Hội ND TX. Tân Châu Bùi Văn Thành chia sẻ.
Chuyển dịch ra khỏi cây lúa đã trở thành phong trào mang tính “thực chất” trên địa bàn TX. Tân Châu. Ở đó, đời sống nông hộ được nâng cao, kinh tế phát triển mang tính bền vững, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Thông qua mô hình THT, HTX, ND trên địa bàn đã chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như thị trường vật tư NN.
Từ mô hình THT, HTX, ND đã tiếp cận với hình thức “Mua chung, bán chung”, giúp vốn nhau làm ăn qua chương trình “Tín dụng nội bộ” và nhiều chương trình mang tính hữu ích khác. Thi đua lao động SX, làm giàu chính đáng đã trở thành phương châm của mỗi gia đình hội viên trên địa bàn thị xã, góp phần đưa Tân Châu phát triển nhanh để sớm được công nhận đô thị loại III vào năm 2020.
“Thời gian tới, Hội ND TX. Tân Châu sẽ tiếp tục phát triển hội viên, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề; xây dựng mỗi khóm, ấp là một THT gắn với một sản phẩm mang tính đặc trưng. Nâng chất phong trào ND SX - kinh doanh giỏi trên địa bàn; tham gia xây dựng gia đình hội viên đạt chuẩn gia đình văn hóa, đồng thời giới thiệu hội viên ưu tú để kết nạp Đảng…” - Chủ tịch Hội ND TX. Tân Châu Trần Văn Vốn chia sẻ. |
Bài, ảnh: MINH HIỂN