Nông dân Thoại Sơn thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

28/11/2022 - 07:10

 - Thời gian qua, nông dân Thoại Sơn luôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản ngày càng chất lượng.

Năm 2022, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thoại Sơn tiếp tục phát triển ổn định, góp phần giữ nhịp cho tăng trưởng chung. Tính đến cuối tháng 9/2022, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vượt kế hoạch với diện tích rau màu 1.807ha (tăng 515ha so cùng kỳ), cây ăn trái 862ha (tăng 76ha so cùng kỳ);  tổng đàn gia súc, gia cầm 600.859 con (tăng 21% so cùng kỳ); thả nuôi thủy sản 508,7ha (tăng 170,7ha so cùng kỳ). Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được triển khai và nhân rộng trên địa bàn.

Theo đó, hội nông dân các cấp đã tập trung đổi mới và nâng chất công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ hội viên nhằm nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng thời, vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hợp tác liên kết, đẩy mạnh các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi hướng dẫn cách làm ăn để cùng vươn lên làm giàu…

Nông dân Thoại Sơn mạnh dạn áp dụng kỹ thuật để tăng năng suất, giá trị nông sản

Giai đoạn 2019-2021, các cơ sở hội tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho hội viên đăng ký phấn đấu thi đua đạt danh hiệu. Toàn huyện có 14.962 lượt hộ nông dân đăng ký thi đua hộ SXKD giỏi các cấp. Kết quả bình xét, có 13.507 lượt nông dân SXKD giỏi các cấp.

Nông dân giỏi đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm dần tỷ lệ sản xuất lúa từ 85% (năm 2020) xuống còn 80% (năm 2021). Tổng doanh thu của nông dân giỏi giai đoạn 2019-2022 trên 3.967 tỷ đồng, đóng góp xây dựng nông thôn hơn 20 tỷ đồng, trên 101.740 ngày công lao động.

Từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm ra các phương thức sản xuất mới, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh các cây trồng, vật nuôi truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn.

Điển hình như anh Trần Duy An (sinh năm 1989, hội viên Chi hội Nông dân ấp Tân Thành, xã Vọng Thê) với mô hình chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học, ứng dụng công nghệ điều hòa nhiệt độ không khí tự động bằng hệ thống điều khiển từ xa qua điện thoại di động.

Theo đó, gia đình anh An có 1ha đất chăn nuôi gà. Trong quá trình sản xuất, gia đình gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật, giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh An được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới về chăn nuôi nên anh An đã tự tích lũy được kinh nghiệm sản xuất cho bản thân, mạnh dạn áp dụng và mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

“Năm 2016, tôi đầu tư nuôi 500 con gà thịt tam hoàng trên đệm lót sinh học nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh và nâng cao giá trị thương phẩm. Sau thời gian nuôi có hiệu quả, tôi mở rộng đầu tư lên toàn bộ diện tích 1.000m2 với số lượng từ 1.500 - 2.000 con gà.

Đến năm 2018, tôi tận dụng lợi thế từng tốt nghiệp đại học ngành chăn nuôi nên mạnh dạn đầu tư hệ thống điều hòa không khí tự động bằng điện thoại di động. Với mô hình trên, đến nay gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tổng thu nhập từ chăn nuôi gà hàng năm trên 300 triệu đồng” - anh An chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sơn Hòa Phan Thành Bắc cho biết: “HTX có 31 thành viên tham gia và ký liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được 2 năm. Hiện, HTX nông nghiệp Sơn Hòa đang liên kết diện tích 650ha vụ thu đông.

Phía công ty yêu cầu HTX, nông dân phải tuân thủ hướng dẫn, quy trình kỹ thuật do công ty đưa ra. Tham gia HTX, ngoài những chính sách cung ứng vật tư đến cuối vụ mới thu tiền mà không tính lãi, nông dân an tâm khi đầu ra được bao tiêu. Nhờ cơ giới hóa, quá trình canh tác lúa không còn vất vả như xưa”. 

Xã Phú Thuận có diện tích tự nhiên hơn 3.124ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 2.636,3ha, được phân chia thành 12 tiểu vùng sản xuất, đa số trồng lúa; diện tích trồng cây ăn trái 58,5ha; diện tích trồng màu 30ha. Đảng bộ và nhân dân xã Phú Thuận quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân.

Năm 2021, tổng số nông dân SXKD giỏi các cấp là 345 nông dân. Nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học vào quá trình chăm sóc cây trồng, tăng cường sử dụng thuốc sinh học, phân vi sinh và phân hữu cơ nhằm đảm bảo cân bằng môi trường, kéo dài thời gian sinh trưởng của cây trồng...

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi của huyện Thoại Sơn tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn. Ngoài tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, hội nông dân các cấp huyện Thoại Sơn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… để phong trào phát huy hiệu quả sâu rộng hơn.

PHƯƠNG LAN