Nông dân Tri Tôn thi đua làm giàu

02/11/2023 - 06:05

 - Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nông dân ở huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) không ngừng nỗ lực thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Từ đó, phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương, khai thác tốt dư địa phát triển.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Nguyễn Hoài An cho biết, những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống thủy lợi được đầu tư, nâng cấp, phục vụ nước tưới tiêu vào mùa khô và kịp thời chống úng vào mùa mưa. Nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, đạt hiệu quả cao; tích cực đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ đầu năm 2023, các hội cơ sở hội nông dân đã phát động và tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi, nhằm chủ động thời gian trong việc thu hồi phiếu, thực hiện đúng quy trình xét chọn. Qua xét chọn từ cơ sở, toàn huyện Tri Tôn có 3.170 nông dân SXKD giỏi 3 cấp (cấp xã 1.927 nông dân, cấp huyện 894 nông dân, cấp tỉnh 352 nông dân).

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thăm mô hình trồng chuối cấy mô

“Phong trào đã tác động tích cực đến cán bộ, hội viên, nông dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó, ý thức tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, vươn lên làm giàu cho gia đình và xã hội. Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã làm chuyển biến nhận thức của đại bộ phận nông dân; chính lực lượng nông dân giỏi đã thực sự làm nòng cốt trong thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Số lượng nông dân giỏi các cấp, doanh nhân nông thôn, mô hình tiêu biểu và sản phẩm lợi thế tăng hơn so những năm trước. Từ nhiều năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKD, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã trở thành nòng cốt của các phong trào thi đua do hội phát động” - ông Nguyễn Hoài An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phong trào vẫn còn tồn tại những hạn chế: Chưa phát triển đồng đều ở các địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp diễn ra còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững; số hộ nông dân SXKD giỏi chủ yếu là hộ sản xuất nông nghiệp, trong khi hộ làm dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp còn ít.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tri Tôn còn thiếu tập trung, phân tán nên tính cạnh tranh của sản phẩm thấp, tiêu thụ còn khó khăn; các hoạt động hỗ trợ hộ nông dân SXKD chưa đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, còn có một số cơ sở hội chưa tập trung cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; nguồn lực dành cho hoạt động hội còn hạn chế…

Một trong những bài học kinh nghiệm được đúc kết là hội nông dân các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên, nông dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận, thi đua thực hiện trong hội viên, nông dân.

Hội nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp, tổ chức chỉ đạo, mở rộng và nâng cao hiệu quả của phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực trong từng hộ nông dân, tạo bước chuyển mới về chất của phong trào trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Nguyễn Hoài An cho rằng, phong trào nông dân SXKD giỏi cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Muốn vậy, phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, vận động nông dân chuyển đổi và tích tụ ruộng đất để áp dụng khoa học - công nghệ trong làm đất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn hội viên phát triển mạnh các dịch vụ, ngành nghề, nhất là chế biến nông sản, để giúp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết nhiều việc làm, dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.

 “Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, các cấp hội cần đẩy mạnh phối hợp và liên kết nhằm hỗ trợ nông dân chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường; hỗ trợ vốn vay, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm và tổ chức dạy nghề tại chỗ.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ nhân tố mới; thường xuyên theo dõi và tuyên truyền, nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Qua đó, kịp thời đánh giá phong trào, khen thưởng, biểu dương những cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc, rút bài học kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng” - ông Nguyễn Hoài An thông tin.

Qua thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, tiếp tục khẳng định vai trò của hội viên, nông dân trong công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, chuyển tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, xây dựng NTM thành những miền quê đáng sống.


NGÔ CHUẨN