Nông dân Tri Tôn thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

17/05/2022 - 06:38

 - Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nông dân huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tham gia các loại hình kinh tế hợp tác... Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần hội viên nông dân ngày càng được nâng cao.

Nông dân Tri Tôn tích cực thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

Những năm qua, nông dân huyện Tri Tôn với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tạo nên thành tựu khá toàn diện và to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là cư dân nông thôn. Trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi có những tác động tích cực, khẳng định tính hiệu quả, hấp dẫn đối với nông dân.

Hội Nông dân huyện Tri Tôn cho biết, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi có bước phát triển, chất lượng phong trào ngày càng được nâng lên. Giai đoạn 2019-2022, có 11.520 hộ đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi, đạt 103% chỉ tiêu tỉnh giao. Qua xét chọn, có 8.982 lượt nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp (3.402 nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, chiếm tỷ lệ 37,9%). Trong đó, cấp tỉnh có 880 lượt nông dân, cấp huyện có 2.681 lượt nông dân, còn lại là cấp xã.

Phong trào từng bước thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất. Hội viên nông dân ngày càng đổi mới tư duy sản xuất, nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất, hạ giá thành sản xuất từ 3-4 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, ứng dụng trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, góp phần cải tạo mặt ruộng, giảm chi phí trong tưới tiêu và phòng trừ cỏ dại...

Nông dân giỏi các cấp còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Có thể kể đến mô hình, như: Chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, trồng chuối cấy mô theo hướng ứng dụng công nghệ cao, trồng rau tần dày lá... Các mô hình này góp phần tích cực vào phong trào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tại địa phương, hiện đang được đầu tư, nhân rộng. 

Phong trào nông dân SXKD giỏi còn đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đoàn kết, “Tương thân, tương ái” giúp nhau giảm nghèo. Nhiều nông dân đóng góp nhân lực, vật lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, công trình phúc lợi xã hội... Từ năm 2019 đến nay, hội viên nông dân trong huyện đóng góp trên 7,2 tỷ đồng, 6.937 ngày công lao động để cất mới và sửa chữa 29 cây cầu, nâng cấp và sửa chữa 47,2km đường giao thông nông thôn, nạo vét 30km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Hội nông dân cơ sở còn duy trì và xây dựng mới điểm sáng biên giới, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và phòng, chống tệ nạn xã hội, buôn lậu qua biên giới. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt ở khu vực nông thôn, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày một vững chắc.

Ngoài ra, phong trào nông dân SXKD giỏi còn góp phần tích cực trong giảm nghèo, nâng cao đời sống. Hội Nông dân huyện phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện tổ chức dạy nghề, kết hợp lập dự án đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho 3.820 hộ, giải ngân 80,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân vươn lên có cuộc sống ổn định, trở thành nông dân giỏi.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Tri Tôn sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, để phong trào phát triển mới về chất lượng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn. Từ đó, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển mạnh theo hướng kinh tế hợp tác, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Tri Tôn có diện tích đất tự nhiên 60.039ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 44.983ha (chiếm 74,9%), đất lâm nghiệp khoảng 8.094ha (chiếm 13,5%), đất chuyên dùng khoảng 3.953ha (chiếm 6,6%), đất ở khoảng 1.998ha (chiếm 3,3%).

ĐỨC TOÀN