Nông dân Vĩnh Thành chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

01/04/2019 - 07:34

 - Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Vĩnh Thành (Châu Thành) chuyển biến tích cực. Nhiều vùng trước đây trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu… cho giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, Vĩnh Thành chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị nông sản. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây, con mới vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện xen canh, đa canh, gối vụ các loại cây ngắn ngày và dài ngày, tăng vòng quay của đất. Nhờ đó, thu nhập của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Vĩnh Thành đã vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi gần 40ha đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái... Các cây trồng cho giá trị kinh tế cao, được người dân gieo trồng, như: cam, quýt, xoài, dưa leo, dưa hấu, dưa lưới, nấm rơm, đậu nành rau, rau màu các loại... Ông Nguyễn Văn Nở (ngụ ấp Đông Bình Trạch) cho biết, gia đình ông tận dụng đất trống quanh nhà đầu tư 2 nhà trồng nấm rơm, với diện tích 80m2 và 60m2. Sau gần 1 tháng trồng, nấm sẽ được thu hoạch khoảng 10 ngày tiếp theo. Nếu nấm trồng đạt, bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Nở thu lợi nhuận từ 12 - 15 triệu đồng từ việc trồng nấm. “So với trồng ngoài trời, trồng nấm rơm trong nhà chủ động nhiệt độ, không bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường bên ngoài, năng suất nấm rơm cao và ổn định, chất lượng nấm tốt hơn. Nhìn chung, trồng nấm tuy tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại thu nhập ổn định” - ông Nở chia sẻ.

Ông La Tráng Kiện chăm sóc ruộng đậu nành rau sắp thu hoạch

Một trong những cây trồng mới đem lại hiệu quả, thu nhập cao cho người dân xã Vĩnh Thành những năm gần đây phải kể đến đậu nành rau. Qua thực tế, hiệu quả từ trồng đậu nành rau cho thu nhập ổn định hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Sau khi tập huấn kỹ thuật trồng đậu nành rau, ông La Tráng Kiện (ngụ ấp Đông Bình Nhất) đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 4 công trên nền đất lúa. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, ông thu lãi trên 20 triệu đồng. Nhận thấy việc trồng đậu nành rau mang lại lợi nhuận ổn định, đầu ra được đảm bảo, ông Kiện chuyển đổi 2,4ha trồng lúa sang trồng đậu nành rau với việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Theo ông Kiện, ngoài việc cung cấp giống cho nông dân, công ty còn cử kỹ sư thường xuyên hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chăm sóc, xử lý sâu bệnh. Đậu nành rau trồng hơn 2 tháng sẽ thu hoạch, với năng suất từ 9 - 11 tấn/ha. Được Công ty Antesco thu mua giá 10.500 đồng/kg (tại nhà máy), sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 40 triệu đồng/ha. “Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng đậu nành rau, đồng thời sẽ trồng thêm dưa leo hoặc dưa lưới trong nhà màng, với diện tích 1.000m2” - ông Kiện cho hay.

Lãnh đạo xã Vĩnh Thành tham quan vườn quýt của ông Mai Hồng Tám

Bên cạnh việc trồng màu, nông dân xã Vĩnh Thành còn cải tạo đất vườn tạp, chân ruộng để trồng cây ăn trái, tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Điển hình như gia đình ông Mai Hồng Tám (ngụ ấp Đông Bình Trạch) đã đầu tư trồng 350 gốc quýt đường, với diện tích 3.000m2. Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn quýt của ông bước đầu đã mang lại hiệu quả, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Mai Hồng Tám cho biết, vườn quýt của ông đã thu hoạch được 2 đợt, năng suất từ 5 - 6 tấn/đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tháng. Nếu bán với giá 30.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, áp dụng luân canh, xen canh trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng sản xuất - kinh doanh, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU