Nông dân Vọng Thê nhạy bén, thay đổi để vươn lên làm giàu
Cùng các địa phương khác trong huyện Thoại Sơn, xã Vọng Thê đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2021. Bộ mặt nông thôn thay đổi, hệ thống giao thông hoàn thiện đã đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, thu nhập ngày càng tăng, giúp nâng cao mức sống của người dân. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của địa phương. Quá trình đó, có sự đóng góp tích cực của người nông dân - lực lượng luôn chịu khó học hỏi, với quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vọng Thê Nguyễn Quốc Tình, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi là khâu đột phá và nông dân giỏi là lực lượng nòng cốt trong phong trào, là nơi hội tụ các nguồn lực tiềm năng đất đai, lao động, khai thác tốt thế mạnh của địa phương. Một số nông dân đã có sáng kiến đi trước đón đầu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như: Kết hợp nuôi heo, gà, trồng rau màu, trồng cây ăn trái. Nông dân còn tham gia trồng cây phân tán, tạo môi trường sinh thái ngày càng xanh-sạch-đẹp. Các năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi được đông đảo hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng và xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó vươn lên làm giàu, đoàn kết, học tập, giúp nhau giảm nghèo.
Năm 2021, địa phương có 254 nông dân được công nhận SXKD giỏi (cấp tỉnh 43, cấp huyện 85, cấp xã 126 nông dân). Phong trào từng bước góp phần thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất. Tiêu biểu là các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: Mô hình ứng dụng phun xịt thuốc bằng máy bay không người lái điều khiển từ xa; sản xuất lúa LT123; ứng dụng công nghệ tưới phun điều khiển từ xa qua điện thoại di động...
Do có quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, thực hiện tốt công tác kiểm dịch đã giúp các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và sau thu hoạch lúa phát triển vượt bậc. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, sở hữu 2-3 máy gặt đập liên hợp và 2-3 máy kéo. Nhiều mô hình mới chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, như: Trồng xoài 3 màu trên diện tích 2ha của ông Phạm Đức Sung (ấp Tân Huệ), trồng bưởi da xanh trên diện tích 5,3ha của ông Nguyễn Quốc Hùng (ấp Tân Vọng), trồng xoài Đài Loan xen ổi 1ha của ông Nguyễn Thanh Việt (ấp Tân Huệ)… Tất cả các mô hình đều cho kết quả tốt.
Quyết định chuyển đổi 1ha đất sang trồng cây ăn trái, trong đó, 3 công chuyển sang trồng ổi và 7 công còn lại trồng xoài Đài Loan kết hợp xen canh ổi với hình thức lấy ngắn nuôi dài, ông Nguyễn Văn Suốt (sinh năm 1962, hội viên Chi hội nông dân ấp Tân Huệ, xã Vọng Thê) khẳng định là quyết định đúng đắn. Mặc dù diện tích xoài chưa cho trái nhưng thu nhập từ diện tích ổi và ổi xen canh của gia đình thu lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất, giá vật tư nông nghiệp tăng. Nhờ sự quan tâm của Hội Nông dân xã; được tham gia các hội thảo, lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tập huấn về kỹ thuật thiết kế vườn và trồng cây ăn trái nên tay nghề tôi ngày càng nâng lên. Dự kiến, gia đình sẽ mở rộng diện tích canh tác xoài Đài Loan và thực hiện triệt để việc bao trái, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng công nghệ tưới nhỏ giọt để đảm bảo sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường” - anh Suốt cho hay.
Mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới phun bằng năng lượng mặt trời kết hợp điều khiển từ xa qua điện thoại di động cho vườn mai vàng” của tổ hợp tác trồng hoa, cây cảnh xã Vọng Thê cũng là một điển hình. Anh Khưu Hùng Ngoan (Tổ trưởng tổ hợp tác) cho biết, vườn mai vàng ứng dụng công nghệ cao có diện tích 1,2ha, khoảng 9.000 gốc mai được cải tạo và phát triển trên nền đất ruộng.
Theo anh Ngoan, nhu cầu thị trường về mai vàng tăng cao những năm gần đây. So với nhiều loại cây kiểng khác, mai vàng không phải trào lưu mà là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhất là vào dịp Tết. Tổ hợp tác của anh Ngoan đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp phun tưới vườn mai tự động. Anh Ngoan cho rằng, đây là giải pháp hoàn hảo cho đầu tư sản xuất theo hướng bền vững, giúp tiết kiệm chi phí; hệ thống được kết nối điều khiển từ xa qua điện thoại di động, dù làm việc ở đâu cũng có thể bật, tắt, hẹn giờ hoàn toàn tự động.
Để khẳng định vai trò của nông dân thời kỳ hội nhập, thời gian tới, Hội Nông dân xã Vọng Thê tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng bền vững. Phát huy thế mạnh của địa phương là sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
PHƯƠNG LAN