Nông dân xã An Tức thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

24/08/2022 - 08:04

 - An Tức là xã vùng sâu của huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống (chiếm hơn 71% dân số toàn xã), đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, nông dân xã An Tức đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên làm giàu từ bàn tay, khối óc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nông dân xã An Tức phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương

Nông dân gương mẫu

Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn xã An Tức những năm qua có sự phát triển về số lượng, quy mô và chất lượng. Từ đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động để phát triển mô hình sản xuất hiệu quả.

Sau khi lập gia đình, anh Chau Sa Ray (ngụ ấp Ninh Lợi) đã tích lũy vốn, mua 1ha đất nông nghiệp canh tác. Thời gian đầu, do anh chưa có kinh nghiệm sản xuất, chưa tiếp thu được các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất lúa đạt rất thấp, gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương, anh Ray tham gia tập huấn, hội thảo ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên quá trình canh tác trở nên thuận lợi. Ngoài sự giúp đỡ trên, anh Ray luôn cố gắng lao động, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Bằng sự nỗ lực của bản thân, anh mua thêm 1ha đất sản xuất nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất của gia đình anh Ray là 2ha. Ngoài trồng lúa, anh còn chăn nuôi và mở thêm dịch vụ nông nghiệp. Anh Ray cho biết, nhờ ứng dụng chương trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, kết hợp sử dụng giống lúa chất lượng cao và áp dụng khoa học - kỹ thuật, giúp hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho bản thân. Mỗi năm, gia đình anh Ray thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Một điển hình nông dân khác có kinh tế ổn định nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất là anh Dương Văn Xua (ấp Ninh Thạnh). Anh Xua cho biết, gia đình anh đang canh tác 7ha đất ruộng. Nhờ mạnh dạn áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, đồng thời nhờ nỗ lực của bản thân, mỗi năm gia đình anh thu nhập bình quân 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập trên, gia đình anh đã ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả. 

Trên đây là 2 trong nhiều nông dân của xã An Tức luôn cần cù và mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác... để làm giàu cho gia đình. Theo Hội Nông dân xã An Tức, giai đoạn 2019-2022, địa phương có 305 nông dân giỏi. Trong đó, cấp Trung ương có 2 nông dân, cấp tỉnh 23 nông dân, còn lại là cấp huyện và xã. Nhiều nông dân không những vươn lên làm giàu cho bản thân, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Nâng chất phong trào

Theo Hội Nông dân xã An Tức, phong trào nông dân SXKD giỏi đã trở nên phổ biến ở địa phương, là động lực để nông dân nỗ lực, phấn đấu. Phong trào từng bước thúc đẩy nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào canh tác, như: Lúa chất lượng cao, dưa hấu, rau dưa các loại; chăn nuôi bò, heo, gà, gắn với cải tạo vườn tạp; chế biến đường thốt nốt… góp phần tích cực vào phong trào chuyển dịch cây trồng tại địa phương.

Ngoài đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, nông dân giỏi xã An Tức còn tích cực tham gia các phong trào xã hội - từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng phát triển NTM với nhiều việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiêu biểu như: Đóng góp kinh phí nâng cấp lộ giao thông nông thôn, phối hợp cất nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà chính sách; giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, vui xuân, đón Tết…

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên, nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên làm giàu. Phong trào còn tác động mạnh mẽ tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. 

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân xã An Tức sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng NTM, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng phát triển.

ĐỨC TOÀN

 

 

Liên kết hữu ích