Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật
Tổng sản lượng lương thực năm 2022 của huyện An Phú là 226.927 tấn, đạt hơn 104% kế hoạch. Tổng diện tích cây ăn trái 2.048ha, chiếm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Ước giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 183,5 triệu đồng/ha, đạt hơn 100% kế hoạch. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phát huy hiệu quả, được nông dân đẩy mạnh, tạo ra nông sản an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê, diện tích sản xuất trong nhà lưới là 2ha, 19 nhà lưới, tăng 0,44ha so cùng kỳ năm 2021; gần 2.000ha ứng dụng hệ thống tưới phun mưa trên rau màu và cây ăn trái (một số diện tích điều khiển bằng điện thoại thông minh, dùng năng lượng mặt trời). Người dân tự đầu tư 4 máy bay không người lái (drone) để phun thuốc và phân bón ở xã Nhơn Hội, Quốc Thái, Phú Hội, Vĩnh Lộc, năng suất bình quân 10ha/giờ, gấp 10 lần nhân công lao động chân tay. Trên 95% nông dân sử dụng kỹ thuật đắp bờ ruộng lúa bằng máy móc, thay thế gần như hoàn toàn lao động chân tay.
“Đây là xu hướng tất yếu, vì hiện nay đa số nhân công lao động sản xuất nông nghiệp đều lớn tuổi, lao động trẻ rất ít do phần lớn tìm việc làm ở khu công nghiệp ngoài tỉnh... Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp dần thay thế lao động chân tay, như xu hướng máy gặt liên hợp những năm trước đây”- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết.
Cũng trong năm 2022, đơn vị bảo vệ thành công mô hình nuôi cấy và tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô bằng pin năng lượng mặt trời, thực hiện tại xã Quốc Thái. Đa số diện tích trên địa bàn huyện đều sản xuất lúa gạo, hiện đang tập trung chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Huyện hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung đối với sản phẩm rau màu chủ lực giai đoạn 2021-2025, tập trung 6 nhóm sản phẩm chính: Rau ăn lá (290ha), rau củ (hơn 500ha), bắp các loại (670ha), đậu phộng và khoai cao (hơn 600ha)…
Về nuôi trồng thủy sản, quy hoạch 30ha tại xã Phú Hội, Đa Phước và thị trấn An Phú. Đến nay, vùng nuôi này phát triển được 15,4ha cá tra thương phẩm. Sản lượng hàng năm đạt 15.400 tấn. Các hộ nuôi cá tra thương phẩm có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Sao Mai, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish); giá thu mua được hợp đồng theo giá thị trường tại từng thời điểm thu hoạch. Từ đó, người dân yên tâm duy trì ổn định diện tích nuôi, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Tăng liên kết sản xuất
Đối với sản xuất lúa, địa phương phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai và vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, tổng diện tích 1.806ha. Liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Phú Hưng (diện tích 100ha). Kết hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) liên kết và tiêu thụ giống lúa thương phẩm Đài Thơm 8, diện tích 65,5ha.
Đối với rau màu, liên kết sản xuất bắp giống với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời 45ha tại xã Quốc Thái. Liên kết sản xuất đậu bắp Nhật với Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (300ha/năm), giá thu mua từ 4.000-9.700 đồng/kg, năng suất đạt từ 18-25 tấn/ha.
Nổi bật năm 2022, huyện An Phú được công nhận 350ha sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Sản xuất cây ăn trái Hùng Phát và Công ty TNHH Hoàng Phan; sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 350ha và cam kết sản lượng tiêu thụ 5.000 tấn/năm. Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa Công ty Cổ phần Nafoods và Hợp tác xã công nghệ cao DHfarm, sản lượng 2.000 tấn/năm xuất đi các nước Châu Âu…
Huyện An Phú được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ cấp 64 mã số vùng trồng trên cây xoài keo (1.598ha, chiến 78% tổng diện tích xoài của huyện), cho 5 đơn vị, gồm: Hợp tác xã xoài Long Bình (38 mã, diện tích 843ha), Hợp tác xã công nghệ cao DHfarm (2 mã số, 415ha), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Cát Tường (tỉnh Tiền Giang) và Công ty Kim Nhung (tỉnh Đồng Tháp) 24 mã số, diện tích 345ha. Hầu hết đơn vị được cấp mã số vùng trồng đều được công ty liên kết, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm xoài keo của huyện An Phú.
Sản phẩm xoài keo Hợp tác xã Long Bình đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); sản phẩm xoài keo Hợp tác xã công nghệ cao DHfarm được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm xoài keo tăng giá trị sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu. |
H.H