Thách thức nhiều chiều
Biến động thị trường là vấn đề nổi cộm, đang diễn ra hàng ngày. Mỗi tin tức về giá lúa, gạo là một lần thấp thỏm, lo âu, xen lẫn niềm vui, sự phấn khởi của người dân “một nắng hai sương”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phong (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) khẳng định, nông sản rớt giá khi thu hoạch một cách thê thảm là điển hình cho nỗi bất an khi sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân vùng ĐBSCL.
Canh tác lúa ở vùng núi Tri Tôn
Bộ NN&PTNT cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Hiện nay, giá gạo tăng hàng ngày, là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với nông dân. Thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 - 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “3 tăng, 3 giảm”; tiết kiệm đất, nước, phân, giống, thuốc. Những khoản chi phí giảm xuống này giúp gia tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, giải pháp liên kết lại bằng hợp tác xã là hướng đi phù hợp, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn đa chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, nhận thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL là thách thức lớn trong biến đổi khí hậu, nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương đến địa phương, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình canh tác, sinh sống của người dân. Tại tỉnh An Giang, năm nào cũng xảy ra vài chục vụ sạt sở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch. Riêng 7 tháng của năm 2023, trên 50 vụ xảy ra, hàng trăm mét đường, nhà cửa bị thiệt hại.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, sụt lún là hệ lụy của địa chất ĐBSCL khi bị tác động bởi dòng chảy, có hiện tượng mềm đất; khi có chất tải lên khu vực đồng bằng thì dễ gây hiện tượng lún, sụt. Hiện tượng này liên quan tới các đập ở thượng nguồn, gây cản trở nước, phù sa. Thậm chí, liên quan tới hiện trạng các dòng sông bị ô nhiễm, do người dân ĐBSCL sống chen chúc bên bờ sông, phải khoan nước phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản. Chính việc khoan nước cũng là nguyên nhân gây lún, sụt.
Khó khăn còn do yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Người tiêu dùng thế giới đưa ra yêu cầu nông sản không chỉ đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, mà họ còn quan tâm quá trình canh tác có gây hại đến môi trường thiên nhiên, có làm tăng biến đổi khí hậu hay không; hải sản đánh bắt có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không…
Tăng sức nặng cho hạt lúa Việt
Cách đây 10 năm, đất lúa nước ta trên 4 triệu ha. Con số này sụt giảm, giờ còn hơn 3,9 triệu ha. Theo nghị quyết Quốc hội và Chính phủ, Việt Nam cần sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. “Linh hoạt” ở đây có nghĩa là: Để đảm bảo an ninh lương thực, để phát triển kinh tế - xã hội, cần phải dành quỹ đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.
Riêng về ĐBSCL, khoảng 300 ngày trong năm thực hiện xuống giống liên tục, do đặc thù con nước (nước rút tới đâu xuống giống tới đó), không có mùa vụ rõ rệt như ở miền Bắc. Do vậy, vấn đề gối vụ, tính toán vụ hè thu, thu đông đối với ĐBSCL chỉ mang giá trị thống kê.
Sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao
Trong phiên chất vấn lĩnh vực nông nghiệp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức giữa tháng 8/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý các địa phương: “Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa, bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau: Sản lượng lúa, người nông dân trên đất lúa đó, chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, người ở phía sau chuỗi ngành hàng đó… Chúng tôi sẽ kiên trì cùng với các địa phương phân tích tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi, với nguyên tắc cân nhắc, cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT phối hợp các chuyên gia, tư vấn trong nước và quốc tế xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Sự thay đổi, chuyển đổi cần cân nhắc nhiều giữa mục tiêu dài hạn, lý tưởng cao đẹp cho thế giới đẹp hơn, hành tinh xanh và bữa cơm hàng ngày của người dân thu nhập thấp.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm: Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với bảo tồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sau phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản, bao gồm: Khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực; cập nhật, phân tích, đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng để kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường; củng cố các thị trường hiện có, khai mở thị trường mới cho nông sản Việt Nam; tổ chức sản xuất nông nghiệp bền vững.
Cùng với đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao; ngăn ngừa rủi ro “bắt sóng xuất khẩu, để hổng thị trường trong nước”. Cần xem trọng yếu tố chất lượng gạo và thương hiệu, bảo đảm tiến độ giao hàng là giải pháp “sâu rễ, bền gốc”…
VẠN LỘC