Nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn trong ao đất

07/12/2020 - 06:28

 - Nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn là mô hình mới thử nghiệm trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang) nhằm giúp bà con vùng nông thôn tận dụng diện tích ao hầm bỏ trống tại địa phương nuôi kết hợp, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và mở ra hướng mới trong nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.

Mô hình thực hiện tại vùng nuôi xã Hòa Lạc, do nông dân La Văn Đảo, ngụ ấp Hòa Bình 3 trực tiếp thực hiện, kỹ sư Đỗ Minh Nhựt (Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân) hướng dẫn. Với diện tích ao khoảng 120m2, ông Đảo thả nuôi 1.500 con cá sặc rằn, trong ao làm thêm 1 vèo diện tích 30m2 thả nuôi 2.000 con cá nàng hai, nguồn giống do Trung tâm Khuyến nông An Giang hỗ trợ.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Đảo cho biết, để xử lý môi trường nuôi, phải cải tạo ao nuôi thật kỹ, bón vôi diệt tạp, phơi đáy ao đủ thời gian và nguồn nước sạch không bị ô nhiễm. Những tháng đầu ông Đảo cho cá ăn thức ăn có độ đạm cao để tăng trọng nhanh, về sau giảm dần độ đạm để cá phát triển ổn định. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần, trộn thêm men tiêu hóa, chất dinh dưỡng giúp cá tăng cường sức đề kháng và hạn chế hao hụt.

Trước đó, ông Đảo được tham gia tập huấn, tìm hiểu mô hình để nắm chắc quy trình nuôi và ứng dụng vào thực tế. Nguồn vốn đầu tư nuôi ban đầu khá cao so với các đối tượng nuôi khác nhưng việc nuôi cá ghép trong cùng một ao có rất nhiều lợi thế như: cá sặc rằn ăn rong-tảo, chất thải và thức ăn thừa của cá thát lát cườm; lọc được môi trường nước, giữ gìn vệ sinh ao nuôi sạch sẽ… Mô hình nuôi cá nàng hai được nhiều hộ dân phát triển đã nhiều năm nay, tập trung chủ yếu tại 2 xã Phú Bình và Hòa Lạc, với cách nuôi ghép cùng cá sặc rằn, nếu áp dụng thành công sẽ giúp nông dân tăng thêm đồng lời.

Tham quan thực tế mô hình của nông dân La Văn Đảo

Theo kỹ sư Đỗ Minh Nhựt, trong suốt quá trình nuôi, nông dân cần theo dõi kiểm tra ao để có biện pháp khắc phục kịp thời, lấp các hang hốc, phát quang bụi rậm tạo môi trường thông thoáng không cho địch hại trú ngụ. Trước khi chuyển sang mùa mưa, cần bón vôi xung quanh bờ ao nhằm ổn định độ pH, tránh gây ra hiện tượng sốc môi trường. Đồng thời, thay nước định kỳ và xử lý sát khuẩn nguồn nước cũng là điều kiện đặc biệt chú ý để giảm hao hụt cá nuôi.

Mô hình của hộ ông La Văn Đảo thực hiện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện phối hợp tổ chức hội thảo, đánh giá rộng rãi cho nhiều nông dân quan tâm đến chia sẻ, học hỏi. Sau khoảng 7 tháng nuôi, cá nàng hai đạt trọng lượng 400gr/con, tỷ lệ sống trên 86%, còn cá sặc đạt trọng lượng 100gr/con, tỷ lệ sống 75%, ước tính sản lượng cả 2 loại cá khi thu hoạch khoảng 670kg với giá từ 35.000 - 45.000/kg, đem lại nguồn thu trên 28 triệu đồng, sau trừ chi phí nông dân còn lãi gần 4 triệu đồng.

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, mô hình nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn trong ao đất là loại hình dễ nuôi, cá ít bệnh và tỷ lệ hao hụt thấp, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích mặt nước. Nuôi theo hình thức này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước nhờ áp dụng phương pháp sinh học, qua đó, giúp người nuôi cá tiếp cận quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp với địa phương đạt năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường tiêu thụ hiện nay.

Kỹ sư Đỗ Minh Nhựt cho biết, ở địa phương chưa có mô hình mẫu, lần đầu thực hiện trên địa bàn huyện, nhưng ở các địa phương khác trong tỉnh đã thử nghiệm và được đánh giá khả quan. “Hai loài cá này phù hợp đặc tính để nuôi ghép và có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi ở địa phương. Cá sặc nuôi ghép không cần tốn chi phí cho ăn và cuối vụ thu hoạch với giá bán cao, làm tăng hiệu quả trên cùng diện tích nuôi” - anh Nhựt đánh giá.

Để nhân rộng mô hình, ngoài tuân thủ kỹ thuật theo hướng dẫn, người dân cần sản xuất theo hướng liên kết từ khâu ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra và giá bán ổn định. Đồng thời, nông dân cần lưu ý chọn vụ mùa thả cá giống phù hợp và chọn con giống tốt, đồng đều, chỗ bán uy tín để nuôi có sản lượng cao nhất.

MỸ HẠNH