Ở nhà mùa dịch bệnh, chị em trổ tài nấu nướng

22/04/2020 - 21:29

 - Trong cơn dịch bệnh Covid-19, bên cạnh nỗi lo lắng là khoảng thời gian mọi người tự “giãn cách xã hội”, tận dụng thời gian ở nhà để chăm chút từng bữa ăn cho gia đình. Các bà mẹ được chính tay lựa chọn, nấu nướng những món ăn yêu thích để bồi bổ sức khỏe, giúp các thành viên trong gia đình tăng cường sức đề kháng trước dịch bệnh.

Cuộc sống nơi đô thị luôn tất bật muôn việc từ sáng đến tối, cho nên “cơm hàng, cháo chợ” từ lâu đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Do vậy, bữa cơm sum họp gia đình, thưởng thức những món ăn do “mẹ nấu” hay “nhà làm” với một số gia đình dường như là điều xa xỉ. Bởi những thức ăn chế biến sẵn tại các quán ăn, nhà hàng luôn phong phú, hấp dẫn, tiện lợi, tiết kiệm thời gian đi chợ, nấu nướng, lau dọn. Thế nhưng, đến ngày đầu tháng 4, các hàng quán phải tạm ngưng phục vụ khách tại chỗ để phòng tránh dịch bệnh, một số người cảm thấy ngại ngần khi phải mua mang về. Mỗi bữa ăn sáng, trưa, chiều phải cất công đi mua về.

Anh Nguyễn Thanh (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: “Ban đầu, tôi cảm thấy mọi thứ đều xáo trộn vì cả gia đình đều có thói quen đi ăn sáng, uống cà phê bên ngoài. Đến buổi trưa thì con ăn tại trường, còn 2 vợ chồng tùy theo công việc thích ăn đâu ghé đấy, đến chiều tối rảnh mới đi chợ nấu ăn.

Khi các hàng quán đóng cửa, tôi đã sưu tầm danh sách các quán ăn giao hàng tận nhà cho khách khu vực TP. Long Xuyên. Tuy nhiên, việc đợi chờ giao thức ăn vì các cửa hàng đắt khách cũng là điều bất tiện. Do vậy, vợ tôi đã thu xếp bớt công việc để nấu ăn cho gia đình. Bản thân tôi không “kén” ăn, ăn ngoài cũng được nhưng ăn ở nhà thấy ngon miệng, hợp khẩu vị hơn”.

Làm việc tại nhà 2 tuần nay, chị Anh Thư (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) đã chọn cách nấu ăn tại nhà để tiết kiệm thời gian đi lại. Trước đây, khi đi siêu thị hay đi chợ, chỉ mua thực phẩm để nấu bữa trưa, bữa tối, nay chị phải tính toán thêm nguyên liệu để nấu bữa sáng. Củ cải đỏ, củ cải trắng, củ sắn, sườn heo, nấm rơm, bắp, rau muống, giá, các loại rau mùi là những thứ chị thường dùng để nấu nồi súp sẵn từ đêm trước.

Sáng dậy, tùy theo sở thích, ai ăn gì thì pha thêm mì, hủ tiếu, phở gói. Nước dùng đậm đà, ít bột ngọt, lượng thịt cá, rau, củ nhiều hơn hàng quán nên các thành viên trong gia đình chị đều thích thú. Bên cạnh đó, chị còn lên mạng học chế biến các món ăn sáng khác như: bò kho, cà ri, xíu mại, bún cá, bún chả… để đổi món hàng ngày cho gia đình.

Nuôi con nhỏ 5 tuổi gầy gò chậm lớn nên mùa dịch bệnh chị Thanh Tuyền (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) quyết tâm bồi bổ cho con. Ngoài thời gian làm việc qua mạng, điện thoại, chị luôn cố gắng nấu những món con thích như: gà rán, bánh khọt, tôm nướng, bánh su kem, sữa chua, bánh flan, rau câu.

Nào giờ chưa từng làm bánh bông lan, nhân dịp có nhiều thời gian rảnh rỗi chị mua luôn máy đánh trứng, lò nướng, các loại bột rồi học công thức làm bánh trên mạng. Đến khi làm xong, chị chụp ảnh đăng lên mạng xã hội được nhiều chị em yêu thích, làm lan tỏa niềm hứng khởi “muốn ăn thì lăn vào bếp” cho các chị em khác.

Có người nói vui, nhờ dịch bệnh nhiều chị em phụ nữ được “phổ cập” nữ công gia chánh và xem việc nấu nướng không phải là nghĩa vụ, mà là niềm vui, là kỹ năng sống, trước là tự phục vụ cho bản thân, sau là cho các thành viên trong gia đình.

Em L.T (TX. Tân Châu, An Giang) chia sẻ: “Từ nhỏ đến lớn, em không thích nấu nướng, khi đi học xa nhà là cơm phần triền miên. Đến khi trở về quê đi dạy, mỗi ngày đi làm về đều được ba mẹ chừa sẵn phần cơm nên việc nấu ăn là mù tịt. Mấy tháng nay không đi dạy, em ở nhà làm phụ bếp cho mẹ, rồi tập tành nấu được vài món, giờ vào bếp đã không còn cảm giác sợ sệt, lo lắng đồ ăn không chín, khét, gia vị quá mặn hay quá nhạt như lúc trước nữa”.

Dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống thường nhật, ảnh hưởng về mọi mặt đời sống xã hội. Song, nhìn nhận ở góc độ khác cũng là lúc để mọi người hướng về giá trị gia đình, gắn kết tình cảm, yêu thương nhau thông qua các bữa ăn hàng ngày và sinh hoạt cùng nhau.

Từ đó, làm nền tảng để chia sẻ những giá trị đạo đức, trao truyền lối sống văn hóa tốt đẹp, giáo dục con trẻ nên người. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi tế bào có khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần thì mới xây dựng nên xã hội tốt đẹp, vững bền, phát triển hài hòa cả về kinh tế lẫn đời sống văn hóa - xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG