Phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

09/06/2023 - 08:55

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã đề ra những chủ trương lớn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể, Nghị quyết Ðại hội XIII nêu rõ: phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh Lê Hoàng Thái)

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được những thành tựu đáng kể, giữ vững vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Toàn ngành đã nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức, đạt các mục tiêu đề ra trong sản xuất, xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách

Xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, giai đoạn 2021-2022, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều công việc hiệu quả. Riêng năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành đúng tiến độ, trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định và ban hành theo thẩm quyền 18 thông tư.

Thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, luật pháp, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Ðồng thời nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển sang sản xuất và phân phối sản phẩm nông sản theo phương thức "đặt hàng tương lai" để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua việc tổng hợp, dự báo sản lượng, chất lượng hàng hóa và liên kết chào bán.

Bên cạnh đó, hoàn thành công việc trong Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia xây dựng Ðề án tổng kết Nghị quyết, phối hợp báo cáo Bộ Chính trị, trình Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chủ trì xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Ngoài ra, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QÐ-TTg ngày 28/1/2022.

Nông nghiệp tăng trưởng cao và bền vững

Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, nhưng giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) vẫn tăng 2,85%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 bùng phát và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, nhưng giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) vẫn tăng 2,85%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành tăng cao nhất trong những năm gần đây, đạt 3,36%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53 tỷ USD.

Trong năm 2023, tăng trưởng toàn ngành quý I ghi nhận mức 2,52%. Những thành quả đó có được là từ việc thực hiện quyết liệt, sát sao các nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, như Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng nêu rõ: "Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị".

Thực tế, về sản xuất nông nghiệp, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng ngày càng cao; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân nông thôn. Trên cả nước đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo trục sản phẩm chủ lực.

Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa cho biết: Giai đoạn 2021-2022, nhiều văn bản, chính sách về lĩnh vực này được ban hành, như: Quyết định số 858/QÐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030; Quyết định số 417/QÐ-TTg ngày 22/3/2021 phê duyệt "Ðề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030"...

Theo đó, thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, nâng cao năng lực công nghiệp phụ trợ. Năm 2022, có 9 dự án chế biến với tổng mức đầu tư hơn 6.750 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về chế biến và xuất khẩu nông sản.

Việc phát triển kinh tế hợp tác cũng đặc biệt được chú trọng theo quan điểm từ Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: "Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm".

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Giai đoạn 2021-2022, các hợp tác xã kiểu mới hiệu quả được nhân rộng; số lượng hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng, dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Riêng năm 2022, cả nước thành lập mới 980 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp lên gần 21.000. Ngoài ra, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp cũng ngày càng lớn mạnh, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Năm 2022, thành lập mới 821 doanh nghiệp nông nghiệp, nâng tổng số lên 14.995 doanh nghiệp, tăng hơn 9,8% so với năm 2021. Sự lớn mạnh của các hợp tác xã, doanh nghiệp đã góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp tiếp cận các xu thế phát triển trên thế giới như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Theo Viện trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được đề cập tới tại nhiều văn bản, chính sách thời gian qua như Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Ðề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 150/QÐ-TTg ngày 28/1/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1658/QÐ-TTg ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ðiều này đã và đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi mô hình từ "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn", góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Nhiều trái ngọt trong xây dựng nông thôn mới

Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định rõ: "Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái". Ðến hết năm 2022, cả nước có khoảng 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ðánh giá về những kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2022, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Với phương châm thích ứng linh hoạt, ngành nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Với phương châm thích ứng linh hoạt, ngành nông nghiệp đã thực hiện hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó chuyển đổi số là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tập trung tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết khác liên quan.

Ðẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QÐ-TTg ngày 28/1/2022. Theo đó, tiếp tục thực hiện chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ðồng thời thu hút các nguồn lực để thực hiện đột phá chiến lược trong phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế; mở cửa thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Trong quá trình phát triển, có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Nhân Dân