Liên quan đến việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025 nhằm cụ thể hóa và từng bước đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030?
Từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ về tổ chức, cơ chế tài chính, quản lý, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, với định hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm nguyên tắc công khai minh bạch và công bằng, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành.
Đặc biệt, tập trung nguồn lực đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh - quốc phòng thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng xây dựng, thúc đẩy các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thúc đẩy các giải pháp đồng bộ để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các pháp luật liên quan để phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm, đặc thù với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; sửa đổi đồng bộ các quy định về quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với tiêu chí kết quả đầu ra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí cùng với ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới cơ chế tài chính cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng thông thoáng, tạo thuận lợi cho các nhà khoa học, đồng thời hướng đến sản phẩm cuối cùng, lấy kết quả nghiên cứu làm mục tiêu.
Bộ cũng nghiên cứu đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài sản công, thuế để khuyến khích, phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước; xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh công nghệ mới là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Bộ hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cả trong nước và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp thành lập, tăng quy mô các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới, phát triển công nghệ; thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu với trường đại học thông qua đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu chung; khuyến khích hợp tác công - tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Với vai trò là trung tâm điều phối, liên kết với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, xin Bộ trưởng cho biết cách thức phối hợp để mang lại hiệu quả trong giai đoạn từ nay đến năm 2025?
Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện quản lý thống nhất, tăng cường gắn kết giữa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phân bổ nguồn lực phù hợp để giải quyết những vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng, bảo đảm cho việc phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.
Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp trong điều phối, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của các tổ chức khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; đẩy mạnh hoạt động đánh giá, định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ; thẩm định và có ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao, thân thiện môi trường; tăng cường, phối hợp quản lý hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, điều chỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các vùng kinh tế trọng điểm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, xây dựng, thực hiện đo lường đổi mới sáng tạo cấp địa phương.
Đồng thời, Bộ tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia theo các định hướng phát triển nghiên cứu khoa học ưu tiên; định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ; định hướng hoạt động hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Đổi mới cơ chế, tăng cường chính sách ưu đãi đặc thù để xây dựng thành công mô hình Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) - mô hình Viện nghiên cứu ứng dụng hàng đầu theo đúng định hướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã đề ra.
Doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Doanh nghiệp cần thúc đẩy việc xây dựng, liên kết và phát triển các Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo khác trong và ngoài nước; xây dựng chính sách, cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với đó, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Các tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học cần nghiên cứu xây dựng chính sách, giải pháp để các tổ chức khoa học và công nghệ trở thành hạt nhân nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ định hướng quy hoạch hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam để định hướng các nhiệm vụ đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước, tạo mối liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp, củng cố hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Xin Bộ trưởng cho biết việc tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất, chất lượng có phải là ưu tiên hàng đầu trong Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN đã ban hành?
Có thể nói việc tập trung xây dựng nâng cao năng lực công nghệ cốt lõi, thúc đẩy năng suất, chất lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN mới được ban hành. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai hiệu quả, đồng bộ và có trọng điểm các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo nội dung tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, Bộ phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ lõi, tăng cường phát huy vai trò dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo...; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ cũng định hướng việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng một số nhóm công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên thực tiễn của Việt Nam; xây dựng, tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án khoa học và công nghệ quan trọng với sự tham gia của cả khu vực công và tư, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trong đó tập trung hỗ trợ cho hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, phát triển trong Khu với các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc biệt là phối hợp, hỗ trợ với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, phát triển công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, việc chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước, doanh nghiệp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Bộ đẩy mạnh số hóa hoạt động quản lý, điều hành hoạt động nghiên cứu khoa học để nắm chắc các nguồn lực khoa học và công nghệ trong phạm vi toàn quốc, sử dụng công nghệ số để kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp trong toàn quốc.
Đồng thời, Bộ đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2021-2030; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ trong việc đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ cũng đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai áp dụng thí điểm các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực hành chính công, chú trọng việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 - Hệ thống quản lý chất lượng cũng như hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001:2015 tại chính quyền địa phương, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo TTXVN