Phát triển kinh tế hợp tác, nhiều thuận lợi và thách thức đan xen

10/08/2020 - 07:03

 - Toàn tỉnh hiện có 202 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên 6 lĩnh vực: nông nghiệp - thủy sản, quỹ tín dụng nhân dân, vận tải, tiểu thủ công nghiệp; thương mại - du lịch, tài nguyên và môi trường. Tổng số 140.000 thành viên, 5.068 lao động làm việc thường xuyên khu vực HTX với thu nhập bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng. Tổng số vốn điều lệ 3.664 tỷ đồng, doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/HTX/năm.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang Trần Văn Cứng trao quyết định kết nạp thành viên chính thức 5 hợp tác xã

Các HTX đã khẳng định vai trò trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội; nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ; tham gia vào chuỗi giá trị, liên kết hiệu quả với doanh nghiệp (DN) tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nhiều mô hình dịch vụ mới được HTX áp dụng như: khai thác chợ, cung cấp nước, chăn nuôi bò...

Đa số HTX hoạt động dịch vụ có lãi, tạo được lợi nhuận cho thành viên, có tích lũy để mở rộng phương án sản xuất - kinh doanh; các loại hình dịch vụ phục vụ cho thành viên HTX giá rẻ hơn tư nhân từ 5-20%, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng, đóng góp tích cực vào các chính sách an sinh xã hội và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện có 190 HTX đang hoạt động, 12 HTX ngưng hoạt động, trong đó 6 tháng đầu năm đã giải thể 9 HTX nông nghiệp. Hiện nay, dù có chuyển biến tích cực nhưng hoạt động của kinh tế tập thể vẫn còn khó khăn, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thiếu vốn hoạt động, hiệu quả kinh doanh thấp. Mối liên kết giữa các HTX và thành viên chưa hiệu quả; đội ngũ cán bộ của nhiều HTX còn yếu về số lượng lẫn chất lượng, chưa được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quản lý kinh tế thị trường. Đa số cán bộ quản lý, điều hành HTX là những người uy tín, có kinh nghiệm, nhưng quen cách quản lý cũ, chưa năng động theo cơ chế thị trường. Thị trường đầu ra chưa ổn định, chưa có vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu DN, phần lớn chưa có sản phẩm đạt chuẩn chất lượng cao như: VietGAP, GlobalGAP nên khó khăn trong thâm nhập thị trường trong và ngoài nước. Dịch vụ chính của HTX nông nghiệp chủ yếu bơm tưới, trong khi dân một số nơi tự ý chuyển đất trồng lúa sang cây ăn trái ảnh hưởng tưới tiêu và không đóng phí cho HTX. Hầu hết các HTX vận tải gặp khó khăn về chính sách thuế, phí, lệ phí, đóng bảo hiểm xã hội...

Điển hình như 141 HTX nông nghiệp - thủy sản doanh thu bình quân từ 1-1,2 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân 100-200 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của người lao động 2-3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX đã mạnh dạn thay đổi giống, phương thức sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; xây dựng mục tiêu, phương án phù hợp với nhu cầu thị trường; mở rộng được các loại hình dịch vụ; tạo được lòng tin đối với từng thành viên; giải quyết việc làm; tăng thu nhập và nâng cao đời sống thành viên...

Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những khó khăn nhất định, như: khi xoài 3 màu đến vụ thu hoạch nhưng HTX chưa thu mua, do giá thấp và tồn đọng. Bởi, xoài tiêu thị nội địa và xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, số lượng chưa nhiều, hơn 90% xuất sang Trung Quốc đường tiểu ngạch, nên khi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 thì giá xoài xuống thấp. Trong khi đó, các HTX vùng biên giới An Phú vẫn hoạt động tốt khi tập trung liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu xoài Keo, hợp đồng thu mua, giao cho DN.

23 HTX vận tải với 6.814 phương tiện xe, 97 sà lan và ghe tải, giải quyết gần 2.800 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Các HTX đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách và cho thuê xe. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, các HTX vận tải chịu ảnh hưởng khá nặng do dịch bệnh COVID-19, lượng xe hoạt động giảm hơn 50%.

Đối với 9 HTX thương mại - dịch vụ - du lịch, với 191 thành viên, tập hợp các mặt hàng tiêu biểu, đặc sản của tỉnh để phân phối cho thành viên và người tiêu dùng như: các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, các loại mắm và cá khô đặc sản, các loại rượu, bánh, lạp xưởng bò... Đồng thời, phát triển mô hình du lịch homestay, có tiềm năng nhân rộng. Tuy nhiên, phần lớn các HTX này chưa được tập huấn các lớp sáng lập viên, chưa nắm các kiến thức cơ bản về Luật HTX, chưa xây dựng được phương án sản xuất - kinh doanh...

24 quỹ tín dụng hoạt động trên 144/156 xã, phường, thị trấn với 117.942 thành viên. Tổng nguồn vốn điều lệ hơn 3.368 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt hơn 2.194 tỷ đồng. Phần lớn, các quỹ tín dụng hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn, nguồn vốn hoạt động tăng đều qua các năm, nhân sự quản lý, điều hành trẻ, có trình độ. Tuy nhiên, hiện các quỹ tín dụng gặp khó do giới hạn địa bàn hoạt động (chỉ một xã, phường, thị trấn) ảnh hưởng đến số dư nợ; nhiều khoản đóng góp bắt buộc không hợp lý; tổng mức vốn góp tối đa của một thành viên quỹ tín dụng còn thấp (quy định không vượt 10% vốn điều lệ); quy định tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên quỹ tín dụng địa bàn liên xã còn quá cao...

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trần Văn Cứng, để đưa kinh tế tập thể phát triển bền vững, tỉnh đang tập trung củng cố; đồng thời phối hợp chặt chẽ các DN thành viên liên kết củng cố, thành lập mới HTX theo mô hình HTX có sự tham gia hỗ trợ nhân sự của DN, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Âu Lạc, Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Nam Thắng...). Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn hội đồng quản trị, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên... Thí điểm 2-4 mô hình hoạt động HTX gắn với DN cung cấp “đầu vào”, “đầu ra” cho các thành viên; giải thể các HTX thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp...

HẠNH CHÂU