Phát biểu với 48 đại biểu là người có công, đại diện gia đình chính sách tiêu biểu, thương bệnh binh… trong Đoàn, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, An Giang là tỉnh có truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện nay, An Giang đã phát triển khá toàn diện, với tăng trưởng bình quân khá, thu ngân sách ngày càng tăng cao, năm 2018 dự kiến đạt vượt các chỉ tiêu tỉnh đã đề ra.
Là địa phương có số lượng người có công khá lớn, Phó Chủ tịch nước đánh giá, thời gian qua, An Giang đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Ngoài những chế độ từ ngân sách chi hằng năm, tỉnh đã huy động mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng, hỗ trợ, chăm lo thêm cho người có công trên địa bàn. Đến nay, hầu hết người có công tỉnh An Giang có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt các chính sách về văn hóa, giáo dục, y tế, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở.
Khẳng định việc thực hiện tốt chính sách cho người có công là nhiệm vụ quan trọng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, tỉnh An Giang tiếp tục huy động toàn xã hội, đóng góp nhiều nguồn lực hơn về tài chính, tham gia hỗ trợ người có công nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt trong những lĩnh vực như xây dựng, sửa chữa nhà ở; phối hợp cùng các ngành tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ trên khắp các chiến trường… Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người có công; thường xuyên rà soát các hồ sơ thương binh, liệt sỹ, hạn chế tình trạng trục lợi chính sách. Phó Chủ tịch nước mong muốn người có công với cách mạng tỉnh An Giang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tham gia tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Bùi Công Bằng cho biết, An Giang có khoảng 40.000 người có công với cách mạng đã được công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi, với gần 10.000 liệt sỹ, 727 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 24 Mẹ còn sống, trên 5.500 thương binh, gần 400 bệnh binh, hơn 300 cán bộ lão thành cách mạng, trên 200 cán bộ tiền khởi nghĩa… Địa bàn tỉnh An Giang hiện có gần 10.000 người có công và thân nhân của họ đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với kinh phí khoảng 145 tỷ đồng/năm. Tỉnh An Giang luôn nỗ lực huy động các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo cho thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Theo HIỀN HẠNH (TTXVN)