Phòng bệnh sốt xuất huyết

01/08/2023 - 07:04

 - Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra quanh năm, mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Hiện, chưa có thuốc phòng ngừa và điều trị đặc hiệu. Người bị mắc bệnh lần đầu vẫn có thể tái mắc bệnh lần sau. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, nếu không phát hiện sớm và điều trị tích cực, kịp thời.

Do đó, thực hiện biện pháp dự phòng luôn là giải pháp quan trọng, là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của các cấp lãnh đạo địa phương và ngành y tế. Cụ thể, cần vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, khi ngủ phải giăng mùng (cả ban ngày và ban đêm), mặc áo dài tay, đốt nhang xua muỗi, đổ nhớt cặn ở nơi nước đọng, thả cá 7 màu vào bể chứa nước, phun hóa chất diệt muỗi…

Việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng luôn là biện pháp hiệu quả nhất, bởi vừa đơn giản, dễ làm, ít tốn kém, không gây ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả cao, nếu thực hiện triệt để.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, người dân thường trữ nước mưa để sử dụng hoặc khi có người thân mắc bệnh, chỉ trông chờ ngành y tế đến phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh… Họ rất ít quan tâm, không tự giác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, thậm chí cản trở lực lượng làm nhiệm vụ. Điều này dẫn đến công tác phòng, chống dịch dựa vào cộng đồng kém hiệu quả.

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của của công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng là biện pháp căn cơ, tiêu diệt mầm mống phát sinh bệnh SXH, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân tích cực tham mưu Huyện ủy, UBND huyện và ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, lấy công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng là lựa chọn tối ưu, triển khai đồng bộ 3 nội dung cơ bản.

Thứ nhất, Đài phát thanh huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền về lợi ích của công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, lấy phương châm “mưa dầm thấm sâu” trong tuyên truyền làm thay đổi hành vi.

Thứ hai, trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng diện rộng, tập trung thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm có số người mắc SXH cao, với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì vận động, giải thích để người dân hiểu rõ mấu chốt của vấn đề “Không có lăng quăng, không có SXH”.

Thu gom, loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng; hình thành thói quen tự giác vệ sinh môi trường hàng ngày, không đợi đến khi có người bị SXH hay chính quyền địa phương tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng mới tham gia.

 Thứ ba, đối với các ổ dịch nhỏ, trước khi tiến hành phun hóa chất, phải tổ chức làm sạch vệ sinh môi trường, có sự kiểm tra, giám sát của cán bộ chuyên môn tuyến huyện; nếu không đạt yêu cầu, bắt buộc phải làm lại. Kiên quyết không phun hóa chất đối với các ổ dịch có chỉ số BI cao hơn 20% sau khi đã làm vệ sinh môi trường.

BS NGÔ VĂN TRUNG (Trung tâm Y tế huyện Phú Tân)