Dạy nghề, hỗ trợ vốn
Theo Hội LHPN tỉnh, từ năm 2014 đến nay, các cấp hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 35.000 lao động, trên 50% các chị em làm tại cơ sở sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh... Bên cạnh đó, còn phối hợp các Trung tâm Dạy nghề huyện, các cơ sở sử dụng lao động tại địa phương tổ chức dạy nghề được 333 lớp, với trên 8.200 học viên, trong đó gần 7.000 chị em có việc làm ổn định.
Riêng từ năm 2017-2019, với số vốn trên 3 tỷ đồng, các cấp hội ở địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ 199 chị em khởi nghiệp thành công; củng cố và nâng chất 25 tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh, dịch vụ... với gần 350 thành viên. Trong số đó phải kể đến những mô hình tổ hợp tác như: trồng sen, đan võng (Châu Phú); sản xuất túi xách (TP. Châu Đốc); bánh dân tộc, chả đòn (TX. Tân Châu); chế biến cá khô (An Phú); trồng rau màu (Phú Tân); đan lục bình xuất khẩu Tân Tiến (Tri Tôn)...
Bằng hình thức vận động từ các nguồn lực ngoài xã hội và phát huy tốt nội lực đã giúp đỡ trực tiếp cho nhiều hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn thông qua các mô hình tiết kiệm, hỗ trợ vốn, như: hùn vốn xoay vòng, nuôi heo đất... Qua đó, đã giúp chị em có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, thật sự là “chiếc cầu nối” hữu hiệu giúp những hội viên khác cùng nhau vươn lên thoát nghèo… Cụ thể, ở hầu hết các địa phương đã thành lập và duy trì được 1.596 tổ hỗ trợ nhau, với trên 41.000 thành viên, số tiền tiết kiệm được trên 47 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã hỗ trợ cho gần 12.000 hội viên, phụ nữ nghèo, với số tiền trên 24 tỷ đồng để mua bán nhỏ, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, thời gian qua, từ nguồn quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh đã giải ngân cho gần 2.800 lượt chị em vay vốn, với số tiền xoay vòng trên 11 tỷ đồng. Từ nguồn vốn có được, các chị em phụ nữ đã tập trung đầu tư phát triển kinh tế, từng bước nâng cao nguồn thu nhập, góp phần đáng kể cải thiện cuộc sống gia đình.
Tạo việc làm cho chị em phụ nữ có thêm thu nhập
Tương thân, tương ái
Với cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” do Hội LHPN Việt Nam phát động, từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã vận động cất mới 545 Mái ấm tình thương, sửa chữa 15 căn nhà, với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng, giúp 560 hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn có nhà ở kiên cố. Thông qua đó, giúp chị em yên tâm lao động, tập trung các nguồn lực cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đặc biệt, năm 2018, bằng cách vận động các nguồn lực, Hội LHPN tỉnh đã xây mới 2 căn nhà “Nghĩa tình phụ nữ” cho 2 Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Phú Bình và thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 175 triệu đồng. Đây là hoạt động mới trong công tác quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho cán bộ hội. Qua đó, tạo động lực để các chị yên tâm công tác, đóng góp cho phong trào phụ nữ địa phương.
Với địa bàn nông thôn, kinh tế của chị em phụ nữ ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) chủ yếu gắn liền với nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ. Điều mà hầu như các chị em cần nhất vẫn là nguồn vốn để phát triển, mở rộng mô hình. Nhờ Hội LHPN xã giới thiệu vay 20 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Long Xuyên, vợ chồng chị Phan Kim Phượng và anh Phan Văn Dệ (ấp Mỹ An 1) đã phát triển khá nhanh chóng mô hình làm các sản phẩm giả mây xuất khẩu ngay tại nhà. Không chỉ tạo được nguồn thu tại gia đình, anh Dệ, chị Phượng còn mở các lớp dạy nghề, giao các sản phẩm cho bà con gia công để tạo thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, giải quyết cho trên 30 lao động có việc làm tại địa phương, chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi. “Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 70.000-100.000 người/ngày, người nào có tay nghề cao thì tiền công nhiều hơn, công việc này đã giúp đỡ được chị em có thêm kinh tế lo cho gia đình” - chị Phượng chia sẻ.
ÁNH NGUYÊN