Năm nay, huyện Phú Tân cho thi công 12 công trình, tổng chiều dài 31km, kinh phí trên 3,9 tỷ đồng từ nguồn vốn sản phẩm công ích dịch vụ thủy lợi. Trong đó có 10 công trình nạo vét kênh mương nội đồng, 2 công trình nâng cấp cống. Ngoài ra, để việc canh tác trong vụ hè thu đạt hiệu quả, địa phương đề nghị các hợp tác xã tăng cường kiểm tra các đường nước, khơi thông dòng chảy để cung cấp nước tưới vào tận ruộng của bà con nông dân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước.
Vụ hè thu này, toàn huyện xuống giống khoảng 23.800ha cây nông nghiệp, trong đó nếp chiếm 90% diện tích. Đối với các trà lúa vụ hè thu sớm, nước đã vào ruộng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tưới tiêu của bà con. Các xã như: Tân Hòa, Phú Hưng, Hiệp Xương, Phú Xuân, Bình Thạnh Đông, Phú Bình… thường được lưu ý quan tâm, bởi là những nơi có nhiều kênh nội đồng, diện tích nông dân tự bơm tưới tương đối lớn.
Nạo vét kênh mương nội đồng khơi thông dòng chảy
Là địa phương có diện tích xuống giống vụ hè thu sớm, xã Hiệp Xương đã khẩn trương thi công 2 công trình nạo vét kênh Nhà Thương - Trà An và mương Ba Gừa - Chùm Bao - Cái Mây, với tổng chiều dài trên 9km, kinh phí thực hiện trên 790 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Xương Nguyễn Văn Sang cho biết, nhận hỗ trợ từ nguồn thủy lợi phí do huyện phân bổ, xã đã tổ chức họp dân, vận động giải tỏa các công trình, kiến trúc để thực hiện thuận lợi, kết quả được sự đồng thuận của tất cả bà con. Đây là 2 công trình lớn, thời gian qua bị bồi lắng, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Hiện nay, tiến độ thi công nạo vét đã đạt hơn 80%, đáp ứng nguồn nước tưới cho vụ sản xuất hè thu 1.727ha đúng theo lịch thời vụ của huyện. Các công trình nạo vét, thủy lợi khác trên địa bàn xã được giao cho hợp tác xã, tổ hợp tác để chủ động phục vụ sản xuất nội bộ và làm dịch vụ.
Nguồn nước đảm bảo cho nông dân tích trữ, chủ động trong tưới tiêu cây trồng
Khi vụ lúa, nếp đông xuân trên địa bàn thu hoạch được 80% diện tích, xã Bình Thạnh Đông đã hoàn thành nạo vét các công trình kênh mương nội đồng để kịp thời phục vụ sản xuất vụ tiếp theo.
Làm lúa mấy chục năm nay, ông Lê Văn Thời (ngụ ấp Bình Đông 1) cho biết, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường nhưng nông dân làm lúa chưa bao giờ phải lo chuyện nước tưới. Theo kinh nghiệm sản xuất “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” của ông bà, nên nước phục vụ cây trồng luôn được ưu tiên. Gia đình ông canh tác hơn 3 công ruộng nằm giữa mương Út Mở và mương nhánh Tám Sam. Hai mương này sau thời gian dài đã hơi cạn nước, trước khi chuẩn bị gieo sạ đã được nạo vét khơi thông, nước tưới đầu vụ cơ bản đảm bảo.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông Nguyễn Văn Hậu, bằng nguồn vốn hỗ trợ do huyện điều tiết 600 triệu đồng, xã nạo vét kênh mương, tu sửa giao thông nội đồng, khắc phục tình trạng nước kiệt, các đoạn bị bồi lắng ở tiểu vùng 24 với 3 tuyến mương, 1 tuyến kênh, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con xuống giống sản xuất trên tổng diện tích 900ha. Cùng với đó, các hợp tác xã đã chuẩn bị mọi công tác, trạm bơm điện trong tư thế sẵn sàng phục vụ nông dân.
Bên cạnh sản xuất lúa, nếp, các mô hình trồng rau màu, cây ăn trái cũng được đảm bảo thuận lợi, khuyến khích ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, phun trên cao nhằm tiết kiệm nước, hiệu quả hơn trong chăm sóc cây trồng. Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân thực hiện tốt khâu làm đất, bảo đảm gieo cấy đúng thời vụ, cơ cấu giống và quy trình kỹ thuật. Trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, tiết kiệm nước.
Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, nông dân huyện Phú Tân tiếp tục kỳ vọng có được mùa vụ sản xuất thắng lợi tương tự như vụ đông xuân đã mang lại.
MỸ HẠNH