Phú Thọ khơi thông dòng sản phẩm OCOP

16/02/2021 - 08:21

Nhắc đến tỉnh Phú Thọ, người ta nhớ ngay đến những đặc sản như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn... Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có 28 sản phẩm OCOP; trong đó, có tám sản phẩm bốn sao, còn lại 20 sản phẩm đạt ba sao. Việc thực hiện chương trình OCOP sẽ giúp các sản phẩm của Phú Thọ có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, đơn vị sản xuất, kinh doanh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung.

Thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè xanh Cẩm Mỹ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)

Phát huy những nông sản địa phương

 
 Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Phú Thọ Nguyễn Nam Cường, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh đã có 115 trong số 247 xã đạt chuẩn NTM. Cái khó nhất của Phú Thọ trong triển khai xây dựng NTM chính là số xã nhiều, địa bàn trải rộng, khó đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Để không ai bị bỏ lại phía sau trong xây dựng NTM, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn dựa vào thế mạnh vùng miền. Đây chính là lợi thế để Phú Thọ triển khai OCOP, từ đó tạo dựng thương hiệu và “mở lối” cho các sản phẩm nông sản vươn xa.
 
 Huyện Thanh Sơn, nơi được xem là quê hương của sản phẩm thịt chua và chè Thanh Sơn nổi tiếng. Được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của các xã viên trên những đồi chè đang vào vụ thu hoạch, mới thấy hết những đòi hỏi khắt khe của một quy trình sản xuất chè khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bà Đinh Thị Lý, người dân xã Tất Thắng chia sẻ, mỗi ngày bà hái chè từ bốn đến năm giờ, theo tiêu chuẩn hái một tôm một lá và một tôm hai lá, thu được khoảng từ 2 đến 2,5 kg chè. Với công hái khoảng 25 nghìn đồng/ kg, mỗi ngày thu nhập gần 100 nghìn đồng; so với làm ruộng thì nhàn hơn và thu nhập cao hơn.
 
 Sau vụ thu hoạch chè, bà Lý cùng các xã viên sẽ tiến hành làm cỏ bằng tay và bón phân hữu cơ để chè tiếp tục sinh trưởng. Đây được xem là công việc thường ngày của xã viên, còn với giám đốc HTX chè xanh Cẩm Mỹ, Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, lại khác. Việc phát triển thương hiệu chè xanh Cẩm Mỹ luôn được chị quan tâm, trăn trở để sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ có thể bước ra thị trường. Do đó, chị Cẩm Mỹ đã mạnh dạn đưa các giống chè mới, chất lượng cao như: chè Kim Tuyên, VN15... trồng thử nghiệm trên đất Thanh Sơn. Với quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến kinh doanh theo đúng quy trình sản xuất chè xanh thơm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), nên sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ có chất lượng cao, giá bán dao động từ 250 đến 600 nghìn đồng/kg.
 
 Cùng với sản phẩm chè Thanh Sơn, thịt chua Thanh Sơn, bưởi Đoan Hùng cũng là những đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên theo ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng NT và PTNT huyện Thanh Sơn, khó khăn lớn nhất của các sản phẩm truyền thống khi đăng ký OCOP chính là khâu hoàn thiện hồ sơ. Theo yêu cầu chấm điểm, việc ghi nhật ký sản xuất, xuất xứ nguồn nguyên liệu và quy mô sản xuất... phải được công khai, minh bạch, khiến cho nhiều đơn vị sản xuất tại Thanh Sơn nói riêng, Phú Thọ nói chung, không những không mặn mà với OCOP, mà còn có tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ từ ngân sách.
 
 Giám đốc HTX Nông nghiệp An Phú (xã Địch Quảng, đơn vị chuyên chăn nuôi giống gà ri Lạc Thủy) Phạm Quốc Tuân cho biết, HTX đang tìm hiểu chương trình OCOP và đang thử nghiệm trên hai trang trại gà đang được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, để đạt được OCOP và đưa được sản phẩm gà ri Lạc Thủy vào trong chuỗi các siêu thị là vô cùng khó. Do HTX không đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, sản lượng gà thịt và vốn quay vòng kinh doanh lớn để có thể chấp nhận việc thanh toán theo tháng của siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, thay vì dốc toàn lực vào OCOP, HTX chọn tiêu thụ gà ri theo cách thủ công. Nghĩa là, thuê một gian hàng trong chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) để tiêu thụ gà. Anh Tuân cho biết, sắp tới HTX sẽ mở rộng thêm việc tiêu thụ ở Lào Cai, Yên Bái để tránh tình trạng gà đến tuổi không bán được.
 
 Đổi mới tư duy, khơi thông OCOP
 
 Với không ít người dân Phú Thọ, những sản phẩm đặc sản mà họ đang sở hữu dù chưa đạt OCOP vẫn được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Với bằng chứng là sản xuất đến đâu, bán hết đến đó.
 
 Nhận thấy đặc sản của Phú Thọ chỉ “nổi tiếng” trong phạm vi hẹp, và chỉ tiêu thụ ở một mức độ khiêm tốn, năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, với nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và mức chi thực hiện hỗ trợ các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tỉnh cũng giao cho Trung tâm khuyến nông tỉnh chịu trách nhiệm chính trong việc tham vấn chính sách, kế hoạch, thúc đẩy sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên địa bàn tỉnh.
 
 Cùng với chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh, các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt, là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản... Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Thọ đã có 28 sản phẩm OCOP. Riêng huyện Thanh Sơn đã có bốn sản phẩm; trong đó có ba sản phẩm thịt chua và một sản phẩm chè.
 
 Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ Nguyễn Nam Cường, mục tiêu của OCOP đặt ra không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những tiềm năng của địa phương. Quan trọng là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Phú Thọ.
 
 Chính vì vậy, chương trình OCOP đã và đang được ví như làn gió mới giúp cá nhân, hộ sản xuất, hợp tác xã phát huy tính sáng tạo trong quá trình sản xuất; làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay không riêng ở Phú Thọ mà cho tất cả các địa phương trên cả nước. Đây cũng là động lực để Phú Thọ có thể hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Theo SƠN HÀ (Báo Nhân Dân)