Rút ngắn khoảng cách thành thị - nông thôn

31/05/2023 - 06:21

 - Đó không chỉ là khoảng cách về giao thông, mà còn là khoảng cách về mức độ hưởng thụ tiện ích vật chất, tinh thần, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dân trí, y tế… Xây dựng nông thôn mới (NTM) phải thúc đẩy vùng nông thôn phát triển toàn diện, vừa rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị, vừa xây dựng nông thôn An Giang trở thành “những miền quê đáng sống”.

Thương hiệu sản phẩm nông thôn

Ở “vựa lúa” Thoại Sơn, sản phẩm gạo An Bình của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Bình (ấp Phú Hiệp, xã An Bình) đang dần đứng vững sau khi được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Để tạo ra được gạo sạch, an toàn cho chính miền quê của mình, có công rất lớn của nông dân Trịnh Công Minh - người “tiên phong” sản xuất lúa hữu cơ ở xã, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX nông nghiệp An Bình khi HTX được thành lập (năm 2015). Để tạo dinh dưỡng cho đất, sau khi thu hoạch lúa, ông Minh không đốt, không bán rơm rạ mà dập xuống ruộng, dùng chế phẩm lên men để phân hủy thành phân hữu cơ.

Thấy hiệu quả, ông Minh cùng HTX sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn SRP trên diện tích 500ha. Các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chỉ dùng phân hữu cơ và một ít phân bón hữu cơ vi sinh, không dùng phân hóa học.

Tuy cây lúa phát triển chậm hơn, nhưng kết hạt chắc, căng đầy, cho ra hạt gạo trắng, chất cơm dẻo, thơm ngon, để được lâu. Được hỗ trợ của tỉnh, HTX nông nghiệp An Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu để sản xuất gạo An Bình.

“Chúng tôi hiểu được nguy cơ bệnh tật khi lạm dụng phân bón, thuốc hóa học trong canh tác lúa. Mong muốn của HTX là tạo ra hạt gạo an toàn cho người dân, những người xứng đáng được hưởng bữa cơm thơm ngon hàng ngày” - ông Minh nhấn mạnh.

Gắn tiêu chuẩn OCOP vào sản phẩm nông thôn như cách xây dựng thương hiệu gạo An Bình đang là khuynh hướng trong nỗ lực xây dựng NTM của tỉnh. Đây là điều kiện giúp xã An Bình đạt và duy trì xã NTM nâng cao, cùng huyện Thoại Sơn đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Tương tự, trong hành trình xây dựng NTM của xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Khánh Hòa cũng xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa.

“Đạt chứng nhận OCOP, uy tín nhãn xuồng cơm vàng Khánh Hòa càng được khẳng định. Sản phẩm được tiêu thụ tốt, giá bán cao, thành viên HTX thu nhập khá, rất phấn khởi” - Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Văn Thẳng bày tỏ.

Những miền quê đáng sống

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, toàn tỉnh có 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Cùng với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì, nhãn mác hấp dẫn hơn, các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP hình thành, đưa sản phẩm làng quê tiếp cận khách hàng thuận tiện. Tại TP. Long Xuyên có điểm trưng bày của Trung tâm Khởi nghiệp thanh niên (Tỉnh đoàn), tại TX. Tịnh Biên là điểm “Tre Làng”; huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới... đang hình thành và phát triển thêm điểm trưng bày OCOP địa phương.

Mới đây, Bộ NN&PTNT phê duyệt danh mục mô hình thí điểm của Trung ương, thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đối với mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch (DL) cộng đồng tại 3 xã cù lao Giêng, thuộc huyện Chợ Mới” (Quyết định 1528/QĐ/BNN-VPĐP, ngày 14/4/2023).

Địa điểm thực hiện tại xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp, kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngân sách và nguồn đối ứng từ địa phương, doanh nghiệp. Việc An Giang là một trong 10 tỉnh của cả nước được Trung ương lựa chọn thực hiện mô hình điểm về xây dựng NTM gắn với sản phẩm OCOP và DL nông thôn là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai mục tiêu “Xây dựng NTM thành những miền quê đáng sống”.

Xây dựng nông thôn mới thành những miền quê đáng sống

Tại hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu Văn phòng điều phối NTM tỉnh, sở, ngành, địa phương quan tâm rà soát, phát triển sản phẩm OCOP mang tính đặc thù, niềm tự hào vùng đất; kết hợp xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP với xây dựng tour, tuyến DL nông thôn, DL cộng đồng. “Xã NTM, NTM nâng cao hoàn toàn có thể hình thành điểm DL. Du khách đến đó được trải nghiệm dịch vụ sinh thái miền quê, thưởng thức ẩm thực, mua sản phẩm đặc trưng làm quà tặng. Từ đó, kích thích phát triển sản phẩm OCOP từ nông nghiệp, phát triển thương mại - dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân nông thôn” - ông Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Để làm được điều này, cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường trách nhiệm xây dựng NTM, đặc biệt là vai trò của từng ủy viên trong phụ trách địa bàn, tiêu chí xây dựng NTM. “Xây dựng NTM là cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, tạo điều kiện phát triển toàn diện nông thôn về kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đặt vấn đề.

Để tạo đồng thuận xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu công tác tuyên truyền phải thật sự sâu rộng, đa dạng về hình thức để tăng tính tương tác, “thấm” tới người dân. Phương châm xây dựng NTM của tỉnh là “Toàn diện, nâng cao và bền vững”, người dân phải thật sự đồng tình tham gia cùng chính quyền địa phương. Trong xây dựng NTM, cần phát huy dân chủ theo hướng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”

 

NGÔ CHUẨN