Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

16/02/2023 - 07:06

 - Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã và đang được huyện An Phú (tỉnh An Giang) triển khai nhân rộng trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, tăng giá trị nông sản và giá trị gia tăng cho nông dân.

 

Thu hoạch xoài

Trồng dưa lê trong nhà lưới

Trồng rau sạch trong nhà màng

Nhiều kết quả tích cực

Đến nay, huyện An Phú đã triển khai thực hiện hơn 29 mô hình, thuộc 6/8 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh, như: Lúa an toàn sinh học; sản xuất rau màu trong nhà màng, nhà lưới; chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây ăn trái; trồng nấm rơm, nấm linh chi và nấm bào ngư trong nhà; nuôi lươn không bùn theo hướng an toàn sinh học...

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã phát huy được các tiêu chí về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với sản xuất đại trà, là bước đệm để phát triển mạnh vào giai đoạn tiếp theo. Toàn huyện có 19 nhà màng trồng dưa lưới và rau màu ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 2ha (tăng 0,44ha so cùng kỳ năm 2021); có 43 nhà lưới giá rẻ (diện tích từ 250 - 500m2/nhà) trồng rau ăn lá và ươm giống cây con…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, huyện tập trung đầu tư nhà lưới, nhà màng và ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản suất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả và được người dân ứng dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp, như: Ứng dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt trên cây xoài và rau màu, ứng dụng việc điều hành sản xuất thông qua hệ thống tưới tự động và bán tự động qua điện thoại thông minh và sử dụng điện năng lượng mặt trời... được phát triển khá nhiều.

Huyện chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với công ty, doanh nghiệp (DN). Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở NN&PTNT, UBND huyện An Phú với Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát và Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan; hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP khoảng 350ha và cam kết thu mua 5.000 tấn/năm. Đã vận động liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trong vụ đông xuân 2021 - 2022 được 1.226,9ha, hè thu 530ha, thu đông 50ha; liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Phú Hưng với diện tích 100ha; liên kết sản xuất bắp giống, sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP tại các xã: Nhơn Hội, Quốc Thái và Vĩnh Hội Đông với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Tập đoàn Lộc Trời... 

Hợp tác xã DHFarm ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) tiêu thụ sản phẩm xoài keo với sản lượng 2.000 tấn/năm. Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện An Phú, với diện tích 42ha tại 3 xã: Vĩnh Hậu, Đa Phước, Vĩnh Trường; liên kết trồng bắp giống với diện tích 45ha ở xã Quốc Thái; Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu liên kết sản xuất đậu bắp Nhật với diện tích 300ha/năm…

Theo Phòng NN&PTNT huyện An Phú, việc nhân rộng còn gặp một số khó khăn, như: Chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Trong khi các DN, chủ dự án và người sản xuất khi tiếp cận các chính sách của nhà nước còn hạn chế, nên việc nhân rộng các mô hình sản xuất chưa mạnh mẽ. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi lực lượng lao động và đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao, nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu và người nông dân chưa được tập huấn, cập nhật kiến thức thường xuyên, cần phải có thời gian để thích nghi và thay đổi. Cùng với đó, yếu tố thị trường luôn biến động và có chiều hướng không thuận lợi cho người sản xuất; liên kết tiêu thụ hàng hóa giữa nhà sản xuất và DN chưa bền vững, nên người dân e ngại đầu tư...

Giải pháp phát triển

Năm 2023, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện An Phú dự kiến là 37.000ha, trong đó sản xuất lúa 30.800ha, màu 4.000ha và diện tích cây ăn trái 2.200ha. Huyện tăng cường các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn; phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa và xoài.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Phú Phùng Thế Vinh cho biết, để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, An Phú tiếp tục vận động người dân tham gia và triển khai các mô hình công nghệ cao có hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao, như: Trồng cây trong nhà lưới/nhà màng; tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa/nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời; phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái (drone)…

Vận dụng các chính sách để hỗ trợ cho các hợp tác xã đầu tư công nghệ ứng dụng vào sản xuất, như: Hỗ trợ không quá 50% tổng chi phí để mua máy drone phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mở các lớp tập huấn, đào tạo ứng dụng kỹ thuật mới vào đồng ruộng. Xây dựng mô hình thí điểm; liên kết với công ty, viện, trường để chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ để nâng cao trình độ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm…

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện An Phú, diện tích ứng dụng tưới tiết kiệm trên rau màu của huyện hơn 2.000ha ở 14 xã, thị trấn. Ngoài ra, nông dân còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao qua việc phun thuốc, bón phân, sạ giống bằng máy drone trên cây lúa (năm 2022, huyện có trên 4 máy drone do người dân tự đầu tư mua sắm).

HỮU HUYNH