Sẽ trình Chính phủ về phương án tăng vốn cho các ngân hàng

02/01/2020 - 19:27

Sau khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng có quyết định về việc tăng vốn cho các ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 2/1/2020, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại lớn tiếp tục nêu ra vấn đề về tăng vốn điều lệ...

Không thao túng tiền tệ

Liên quan đến việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

Cũng theo Thống đốc, trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. đến thời điểm này, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã lên hơn 79 tỷ USD, riêng năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 20 tỷ USD.

"Đây là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đảm bảo đúng quy định của Chính phủ là an toàn tuyệt đối, hiệu quả và sinh lời. Chênh lệch thu chi trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh, tạo được nguồn kết dư bằng tiền lớn. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước nộp ngân sách 19.500 tỷ đồng," Thống đốc chia sẻ.

Tương ứng với lượng lớn ngoại hối mua được, Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền đồng đưa vào lưu thông, bổ sung thanh khoản VND cho toàn hệ thống, chuyển hoá nguồn lực ngoại tệ thành nguồn vốn cho phát triển kinh tế.

Với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá cơ bản ổn định, phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ thế giới nhiều biến động (đồng Nhân dân tệ giảm giá, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, lộ trình chính sách của Fed…).  

Về mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường. Nhờ đó, việc duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho tổ chức tín dụng. Sau các động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2-0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.

Về kết quả đạt được, năm 2019 thị trường tiền tệ và ngoại tệ duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức bình quân 2,01%, tạo dư địa thuận lợi để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt trong điều kiện ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát CPI ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Tiếp tục kêu gọi tăng vốn

Tại hội nghị cũng ghi nhận các tham luận của lãnh đạo các ngân hàng là Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, VIB, HDBank. 

Bên cạnh đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo nhiều ngân hàng lớn tiếp tục nêu ra vấn đề tăng vốn điều lệ. Điều này cho thấy đây vẫn là vấn đề bức thiết nhất của các ngân hàng có vốn nhà nước.

Vừa hoàn tất thương vụ bán vốn kỷ lục, thu về hơn 860 triệu USD, song ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đề nghị Chính phủ cần sớm xem xét cho BIDV được tăng vốn bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, các thủ tục phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cho người lao động cũng cần đơn giản hơn nữa.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ thặng dư vốn và từ lợi nhuận sau thuế, phát hành thêm; Có cơ chế để thu hút mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài bằng việc xem xét, có định hướng và lộ trình cụ thể để tăng giới hạn sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành ngân hàng.

Còn ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Từ đó, các ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của nhà nước như VietinBank có cơ sở được tăng vốn và nhanh chóng đáp ứng chuẩn mực Basel II.

Mặc dù vậy, ông Thọ vẫn tự tin đến thời điểm này VietinBank đã đáp ứng toàn diện các yêu cầu của chuẩn mực Basel II về cơ cấu quản trị, quy trình quy định kiểm soát nội bộ, hệ thống công nghệ thông tin. Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt tăng vốn, VietinBank sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực Basel II.

Là ngân hàng có số vốn điều lê thấp nhất trong 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết, trong năm 2020 Agribank sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để cổ phần hóa và hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Thông tư 13, Thông tư 22, Thông tư 41 và 03 trụ cột theo tiêu chuẩn Basel II.

"Trường hợp không được tăng vốn điều lệ hoặc áp dụng cơ chế đặc thù, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế," ông Thành chia sẻ.

Chính vì vậy, ông Thành kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm cấp bổ sung 19.800 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank theo phương án đã trình. Ngoài ra, cho phép các ngân hàng thương mại được xác định hệ số rủi ro 50% các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 55. Tại Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 750.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm 50% các khoản vay có  hệ số rủi ro 100%, làm tăng tài sản có rủi ro, giảm hệ số tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Liên quan vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã quyết và hiện tại đang triển khai các quy định; Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 91.

"Sau khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng về việc tăng vốn cho 3 ngân hàng. Đối với Agribank - ngân hàng 100% vốn nhà nước, Chính phủ cũng đã quyết trong năm nay sẽ trình Quốc hội để bố trí ngân sách tăng vốn. Lộ trình tăng vốn tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định," Thống đốc nhấn mạnh.

Chỉ ra những thực trạng còn tồn tại, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, ngành ngân hàng sẽ phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau, đòi hỏi phải năng động, chủ động bám sát thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ.

Theo ông Hưng, năm 2020 Ngân hàng Nhà nước dự báo tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.  

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ-TTg; nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%...

Theo THÚY HÀ (Vietnam+)