Sử dụng biogas trong chăn nuôi, giảm ô nhiễm môi trường

10/05/2019 - 05:26

 - Xây dựng và sử dụng hầm khí biogas trong chăn nuôi là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, giảm tình trạng dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.

Xây dựng hầm chứa biogas giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Khoảng 10 năm gần đây, mô hình nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh tại xã Khánh Hòa (Châu Phú). Với lợi thế về nguồn thức ăn dồi dào, chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như: cỏ, rơm, gạo, cám... và chi phí chuồng trại, thuốc thú y phòng trị bệnh không lớn, sản phẩm tiêu thụ dễ dàng nên nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển đàn bò gặp khó khăn trong việc quản lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Gần đây, thấy được hiệu quả của việc sử dụng hầm khí biogas, nhiều hộ đã chủ động xây lắp và đưa vào sử dụng, từ đó quy mô chăn nuôi được mở rộng hơn. Trước đây, gia đình anh Nguyễn Chí Tâm (ấp Khánh An, xã Khánh Hòa) chưa xây dựng hầm biogas, nước thải từ chăn nuôi bò ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Từ khi được cán bộ địa phương vận động xây dựng hầm biogas, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, gia đình có nguồn gas để nấu nướng. Theo anh Tâm, việc duy trì trong chuồng khoảng 10 con bò thì lượng phân thải ra môi trường rất lớn, ảnh hưởng đến xung quanh, đặc biệt gây mùi khó chịu. “Từ ngày làm hầm biogas, khu chuồng trại không còn bốc mùi hôi, bà con trong xóm không còn phàn nàn như trước, có khí gas cho gia đình sử dụng thoải mái”- anh Chí Tâm chia sẻ.

Ngoài hiệu quả khắc phục ô nhiễm môi trường, hầm biogas còn cung cấp năng lượng thay thế chất đốt, giúp hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong gia đình. Bên cạnh đó, việc xây dựng hầm biogas giúp nông dân giảm công lao động trong chăn nuôi do không phải mất nhiều thời gian dọn vệ sinh chuồng trại. Ông Trần Minh Tâm (ấp Khánh An) chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi sử dụng khí gas sinh học từ hầm biogas để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu trước đây mỗi ngày phải vệ sinh chuồng trại 2-3 lần, mất thời gian mà không hết mùi hôi thối, nay có hệ thống hầm biogas xử lý chất thải hiệu quả, không mất nhiều thời gian vẫn đảm bảo môi trường sạch sẽ, không hôi thối, tiết kiệm một phần chi phí và có thời gian làm nhiều việc khác, tăng thu nhập gia đình”.

Với giá nguyên liệu tăng như hiện nay, việc ứng dụng mô hình biogas là một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí sinh hoạt. Không những giải bài toán về kinh tế, mô hình ứng dụng biogas còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo UBND xã Khánh Hòa, những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân duy trì và phát triển mô hình chăn nuôi bò, chính quyền địa phương không ngừng tuyên truyền, vận động bà con xây dựng mô hình hầm chứa biogas để phục vụ sinh hoạt cũng như bảo vệ môi trường. Đồng thời, đưa ra những chính sách hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân phát triển mô hình.

Hiệu quả từ sử dụng hầm chứa biogas, người dân ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình đang gặp không ít khó khăn, khi đa số nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt còn cao so với thu nhập của nông dân, việc thay thế sửa chữa khó khăn do thiếu cơ sở dịch vụ kỹ thuật. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi chưa nắm bắt được kiến thức khoa học, còn chủ quan, không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sống của cộng đồng và gia đình.

Biogas là khí sinh học do một số vi khuẩn phân giải chất hữu cơ tạo ra. Nguyên liệu cho sản xuất khí sinh học là chất hữu cơ, phân động vật, lá, thân cây cỏ, nước thải, nước. Lợi ích mang lại là tạo nguồn năng lượng để thắp sáng, sưởi ấm, chạy máy phát điện; chất cặn thải sau quá trình lên men dùng để bón cho cây trồng sẽ hạn chế được việc sử dụng phân hóa học. Hiện tại, có 2 loại hầm biogas, gồm: loại xây bằng gạch và loại làm bằng composite.

 

ĐÌNH ĐỨC