Sức sống nông thôn mới nâng cao Tà Đảnh

20/05/2022 - 07:08

 - Nằm ở vị trí cửa ngõ của huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), xã Tà Đảnh đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, rồi nỗ lực duy trì, nâng chất để được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã NTM nâng cao. Đó là thành quả đáng ghi nhận của một địa phương vốn còn nhiều khó khăn khi bắt đầu xây dựng NTM.

Xã Tà Đảnh đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao

Thay đổi tư duy sản xuất

Thành lập năm 2017, ban đầu Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ du lịch Tân Thạnh (HTX Tân Thạnh) tập hợp được 31 nông dân ở ấp Tân Thạnh (xã Tà Đảnh) thử nghiệm trồng sen và cung ứng gương, ngó, củ sen cho các vựa thu mua. Tuy nhiên, mô hình không đạt hiệu quả như mong muốn. HTX chuyển hướng sang liên kết sản xuất lúa và cung ứng vật tư nông nghiệp.

“Nhờ sự tham gia hợp tác của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, 9 vụ lúa qua đều cho tín hiệu tích cực. Thành viên tham gia HTX tăng lên 91 người, diện tích sản xuất 300ha. HTX còn liên kết mở rộng diện tích với nông dân bên ngoài thêm 450ha, nâng tổng diện tích lên 750ha” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Tân Thạnh Lê Quang Trường thông tin.

Phương thức hợp tác là Tập đoàn Lộc Trời cung ứng các giống lúa xác nhận, như: OM18, OM5451 (do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu và giữ bản quyền), cung ứng vật tư sản xuất để HTX phân phối xuống thành viên và nông dân. Đến cuối vụ, Tập đoàn Lộc Trời thỏa thuận giá thu mua, thời điểm thu hoạch và bao tiêu toàn bộ diện tích canh tác.

“Tập đoàn Lộc Trời cử nhân sự tham gia giám đốc HTX nên mối liên kết rất chặt chẽ. Giống lúa, vật tư cung ứng đạt chất lượng, vì vậy năng suất cao hơn từ 20-50kg/công so với canh tác bên ngoài. Toàn bộ sản lượng lúa đều được thu mua, nông dân không lo bị thương lái bỏ cọc khi rớt giá như trước đây. Sau khi cân lúa xong, nông dân thanh toán tiền giống, vật tư và nhận phần còn lại; đỡ áp lực mua vật tư bằng tiền mặt từ đầu vụ” - ông Trường chia sẻ.

Thấy hiệu quả hoạt động, HTX Tân Thạnh dự kiến mở thêm 2 dịch vụ mới là cung ứng gạo ăn cho gia đình thành viên suốt mùa vụ (đến cuối vụ mới trừ công nợ); bao tiêu trọn gói dịch vụ cày, xới, làm đất, phun thuốc bằng drone (máy bay không người lái), nhằm giảm chi phí, tối ưu lợi nhuận cho thành viên, nông dân.

Ở ấp Tân Thuận, nông dân Phan Văn Thụ nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất lúa giống. Nay ông thử nghiệm thêm mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. “Tận dụng hầm chứa tro của lò sấy lúa giống, tôi nâng lên diện tích gần 1ha, đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo công nghệ Israel. Tôi trộn cám dừa, tro trấu, phân bò (ủ Trico) vào giá thể trồng dưa nên dưa lưới đạt độ ngọt, giòn, ngon, bảo quản tự nhiên được hơn 20 ngày (giống dưa LT23). Qua 4 vụ canh tác, năng suất từ 2,7-3 tấn/vụ, chi phí đầu tư khoảng 18.000 đồng/kg (tính luôn chi phí khấu hao nhà lưới, thiết bị), giá bán cho thương lái 25.000-27.000 đồng/kg, bán lẻ trên 30.000 đồng/kg, lợi nhuận rất khá” - ông Thụ nhận xét.

Quyết tâm vì nông thôn mới

Xã Tà Đảnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn (3.915ha trong diện tích tự nhiên 5.071,68ha), tiếp giáp xã Vĩnh An (huyện Châu Thành), xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên) và xã Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú). Tuy nhiên, khó khăn của xã là HTX nông nghiệp hoạt động chưa đạt hiệu quả cao; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chậm. Việc mở rộng hoạt động của HTX Tân Thạnh, mô hình mới của ông Phan Văn Thụ gợi mở cho địa phương định hướng nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân từ chính lợi thế nông nghiệp. Đó cũng là mục tiêu để xã Tà Đảnh phấn đấu, nỗ lực xây dựng NTM, rồi NTM nâng cao.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tà Đảnh Tiêu Đình Hiếu Nhân Trung cho biết, năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, xuất phát điểm của xã rất thấp: Đạt 4/19 tiêu chí. Từ khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh, có sự đột phá bằng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Địa phương quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định.

“Sau hơn 4 năm được công nhận, xã Tà Đảnh tiếp tục duy trì, nâng chất, giữ vững 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu xây dựng NTM. Thực hiện Quyết định 1005/QĐ-UBND, ngày 8/5/2018 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020, xã Tà Đảnh nỗ lực thực hiện, đến nay đạt 100% tiêu chí, chỉ tiêu, được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là xã NTM nâng cao” - ông Trung thông tin.

Trong nỗ lực xây dựng NTM nâng cao, bộ mặt nông thôn xã Tà Đảnh thay đổi toàn diện. Đến nay, tất cả tuyến trung tâm xã, đường trục ấp, liên ấp, đường trục chính nội đồng đều đạt chuẩn; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn đạt 99,5%, sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt 100%, tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,4%; 75% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% ấp có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng; không còn nhà tạm, dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 62,4 triệu đồng; hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,19%...

 

NGÔ CHUẨN