Tái cơ cấu nông nghiệp An Giang theo tư duy “kinh tế nông nghiệp”

29/09/2023 - 11:05

 - Sáng 29/9, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chủ trì Hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”. Đại diện các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân giỏi trong tỉnh cùng tham dự.

 

Các đại biểu dự hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nội dung Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang. Trong đó, thống nhất quan điểm xác định nông nghiệp là nền tảng, là “lõi kinh tế” của tỉnh. Đồng thời, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tuần hoàn, cảnh quan và có trách nhiệm trong mối liên kết chặt chẽ với các cụm ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ phụ trợ, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tỉnh An Giang xác định phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy khát vọng vươn lên làm giàu của nông dân từ nội lực của chính mình, giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân, giảm thiểu bất bình đẳng và đảm bảo mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển và tăng trưởng.

Nông dân là chủ thể quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Tỉnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi liên kết phát triển sản xuất – chế biến – tiêu thụ, là yếu tố then chốt để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số nông nghiệp.

An Giang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng giảm diện tích đất lúa hợp lý, đẩy mạnh phát triển rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung, theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; thực hiện mục tiêu chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” thông qua việc phát huy nội lực của cộng đồng người dân, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm.

Giai đoạn 2021 – 2025, An Giang duy trì tăng trưởng bình quân nông nghiệp ổn định đạt 2,8%/năm (giá so sánh 2010); tăng thu nhập bình quân đầu người của nông dân đến năm 2025 đạt 64,5 triệu đồng/người/năm, bằng 1,5 lần năm 2020 (43 triệu đồng/người/năm). Đến năm 2025, nông nghiệp cơ bản phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật (GAP, hữu cơ,…) và tiêu chuẩn thị trường quốc tế đối với các mặt hàng chủ lực của An Giang.

Mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân của An Giang là 280 triệu đồng/ha; có 150.000ha lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng công nghệ cao. An Giang trở thành một trong những trung tâm về ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp tại ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN