Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng chỉ 21 ngày sau (ngày 23/9/1945), thực dân Pháp nổ súng tấn công ở Sài Gòn, xâm lược nước ta một lần nữa.
Để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Nhân dân ta tiếp tục đứng lên cầm súng cứu nước, nhiều người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho đất nước. Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về mang trong người thương tật suốt đời.
Ngày 2/10/1945, nhằm động viên các gia đình có người hy sinh, Bác Hồ đến nhà thờ lớn làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng (Cần Thơ) ngày 12/11/1945.
Đến tháng 12/1945, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ”, Bác tin tưởng rằng: “Với một nước có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa.
Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ
Chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, người chồng, người vợ, người con đã mãi không gặp lại người thân yêu nhất của mình, ngày 7/11/1946, Bác Hồ ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản, chân thành, gây xúc động mạnh mẽ lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sĩ đó, và tôi nhận con các liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.
Trong “Thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng - Giám đốc Y tế Bắc Bộ” tháng 1/1947, Người viết: “Tôi được báo cáo con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên như tôi đứt một đoạn ruột. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng!”.
Sau đó, Bác Hồ ký một loạt sắc lệnh giải quyết chế độ chính sách cho thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, như: Sắc lệnh 20-SL, ngày 16/2/1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 6/6/1947, tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân, hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam và quy định việc tặng thưởng.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền các cấp hoạt động, ngày 3/10/1947, Người ký Sắc lệnh 101-SL về việc thành lập sở/ty thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh. Để Nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, Bác chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”.
Người giải thích: “Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Cuối lá thư, Người vận động đồng bào phải nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương, tiền ăn một bữa và của các nhân viên Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng để tặng thương binh.
Đang kháng chiến chống Pháp, Người nói công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không chỉ trong một thời gian”, phải có những biện pháp để đồng bào nhiệt tình “Đền ơn đáp nghĩa”. Với các thương binh, Người ân cần căn dặn: “Hòa mình với Nhân dân, tránh phiền nhiễu Nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...
Ngày 27/7 hàng năm, Người đều đặn gửi thư và tặng quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành, là lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đó không chỉ là sự tiếc thương, mà thể hiện sự tự hào, tinh thần bất khuất, hồi sinh sức sống mãnh liệt của cả dân tộc, của những người hy sinh mạng sống của mình cho độc lập của Tổ quốc.
Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và bổ sung thêm một số nội dung gồm 6 trang viết tay, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước các cấp và đoàn thể xã hội trên cả nước đã ban hành những chủ trương, chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Nhân dân mọi miền của Tổ quốc đã chăm sóc, nuôi dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; xây dựng nhà Tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ; hỗ trợ vốn, giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo, miễn viện phí, học phí... làm nhiều việc ý nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ.
N.R (tổng hợp)