Tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em

08/10/2024 - 07:23

 - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ đuối nước, làm chết 11 trẻ. Những vụ việc đau lòng tiếp tục là hồi chuông cảnh báo cho gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong giám sát, trông coi, quản lý trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Đây thực sự là cảnh báo về vấn đề an toàn của trẻ em, gây tổn thương lớn đến hạnh phúc của nhiều gia đình.

Nguyên nhân các vụ đuối nước chủ yếu do trẻ em hiếu động, tò mò, thích khám phá, nhưng các em không học bơi hoặc học bơi không đúng cách, không được tuyên truyền, giáo dục đầy đủ về cách phòng, chống đuối nước. Thêm vào đó, việc quản lý, giám sát của cha mẹ, người lớn đối với trẻ em chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Ở tỉnh An Giang, đến mùa nước nổi, nước sông dâng cao; với huyện miền núi Tri TônTX. Tịnh Biên có nhiều ao, hồ, suối - tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước, nhất là đối với trẻ em.

Khoảng 16 giờ, ngày 19/7/2024, bà Đ. T. L. (ấp An Nhơn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) chở 2 con (sinh năm 2012 và 2014), cùng cháu ruột (sinh năm 2017) đến khu vực hồ nước Ô Tà Sóc vui chơi. Tại đây, bà L. căn dặn cháu không được xuống hồ tắm, vì nước sâu và nguy hiểm. Không nghe lời dặn dò, 3 cháu lội xuống tắm. Sau đó, phát hiện 2 cháu bị đuối nước. Trong đó, 1 cháu được cứu kịp thời; cháu sinh năm 2017 được vớt lên, sơ cứu, đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Trước đó, 14 giờ 30 phút, ngày 20/4/2024, em N.M.C (sinh năm 2009) cùng 2 bạn đến khu vực bờ kè (khóm Long Thị A, phường Long Hưng, TX. Tân Châu) tắm. Trong lúc tắm, khi thấy em N.M.C bị đuối nước, hai bạn hô hoán cho nhiều người biết, nhưng sau đó vẫn không cứu được... 

Để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ đuối nước, nhất là trong mùa nước nổi, nhiều năm qua, UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhằm giảm tử vong trẻ; kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống đuối nước. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ phối hợp liên ngành thực hiện Kế hoạch “Phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Mục tiêu là đẩy mạnh các hoạt động liên ngành, nhằm giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em tử vong và tàn tật do đuối nước gây ra. Trong đó, giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; có 80% trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em. Năm 2025, phấn đấu có 65% trẻ em từ 6 -16 tuổi biết và vận dụng được kiến thức, kỹ năng phòng, tránh đuối nước cùng kỹ năng an toàn trong môi trường nước và đến năm 2030 là 70%. Đặc biệt, có 50% trẻ em từ 6 - 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và năm 2030 là 70%.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh hiện có khoảng 410.281 trẻ em, trong đó, 3.851 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em năm 2016.  Để thực hiện nhiệm vụ, ngành tiếp tục duy trì tất cả xã, phường, thị trấn lồng ghép triển khai thí điểm mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em”; triển khai phi dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em” ở huyện Chợ Mới và TX. Tịnh Biên. Thông qua dự án góp phần nâng cao nhận thức về đuối nước, can thiệp hiệu quả bơi an toàn cho trẻ em 6 - 15 tuổi. Đặc biệt, có 74/156 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng, củng cố 156 cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và 1.714 cộng tác viên ở khóm, ấp.

Đến cuối năm 2024, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao hơn nữa trách nhiệm cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trong mùa nước nổi. Tổ chức các hoạt động và kiểm tra các điểm giữ trẻ mùa nước nổi các huyện An Phú, Chợ Mới, TX. Tân Châu... Đồng thời, triển khai các lớp dạy bơi cho 1.600 trẻ em thuộc 10 xã của huyện Chợ Mới và TX. Tịnh Biên.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp tục phối hợp triển khai các mô hình thí điểm dạy bơi và cứu đuối ở các trường tiểu học, THCS để nhân rộng trong toàn tỉnh. Các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp kiểm tra, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra đuối nước và cảnh báo, xử lý kịp thời.

N.R