Tăng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm

21/04/2023 - 06:26

 - An Giang là một tỉnh nông nghiệp, lượng thực phẩm từ các sản phẩm nông, thủy sản rất lớn, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, bảo quản đòi hỏi phải được quan tâm. Trong đó, thanh, kiểm tra thường xuyên là giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức các chủ cơ sở trong bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Xử lý nghiêm vi phạm

Ngay trước Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Quyết định 1073/QĐ-SNNPTNT về việc thành lập Đoàn kiểm tra chất lượng, ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Ngoài lực lượng chính là Thanh tra Sở NN&PTNT, thành phần đoàn còn có thêm đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường, Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh); Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Phòng NN&PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 20/12/2022 đến 31/3/2023), đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại huyện Châu Thành, An Phú, Phú Tân, Châu Phú, TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc.

Một cơ sở mắm chấp hành tốt quy định an toàn thực phẩm

Việc kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm nông, thủy sản do cấp tỉnh quản lý. Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp (Trưởng đoàn kiểm tra) cho biết, bên cạnh kiểm tra hồ sơ SXKD, đoàn còn kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở về quy định đảm bảo ATTP, đồng thời lấy 28 mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm tra chất lượng, tập trung vào những sản phẩm quen thuộc, có số lượng tiêu thụ lớn hàng ngày, như: Khô cá lóc, mắm cá, tàu hũ ky, chả lụa, pa-tê, bò vò viên, nước tương, khô cá tra phi-lê, khô cá tra phồng, sườn non chay, lạp xưởng, cá rô chay, cá bạc má chay, cà-phê…

Qua kiểm tra, có 4 mẫu sản phẩm không đạt chất lượng (khô cá tra, khô cá tra phồng, khô cá lóc, nem chay) của 4 cơ sở. Trong đó, 1 cơ sở đã sử dụng Natri Benzoate để chế biến nem chay, là phụ gia thực phẩm được phép sử dụng theo quy định nhưng hàm lượng gấp nhiều lần mức tối đa cho phép; 1 cơ sở sử dụng nguyên liệu đầu vào cá lóc để chế biến mắm cá có chứa kháng sinh cấm sử dụng là Enrofloxacin và Ciprofloxacin; 2 cơ sở sử dụng nguyên liệu đầu vào cá tra để chế biến khô cá tra có chứa kháng sinh cấm sử dụng là Enrofloxacin, Ofloxacin và Ciprofloxacin. Qua đó, đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 cá nhân vi phạm quy định về ATTP, tổng số tiền phạt 100 triệu đồng.

Phát huy vai trò cơ sở

Ông Trần Thanh Hiệp cho biết, trong số 28 mẫu thực phẩm được kiểm tra, có 24 mẫu đạt chất lượng theo quy định. Điều này cho thấy, ý thức của các chủ cơ sở về ATTP được nâng lên. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số cơ sở vi phạm về ATTP chẳng những giảm được 2 vụ, mà còn không có trường hợp cơ sở vi phạm về tự công bố chất lượng sản phẩm, không có trường hợp cơ sở vi phạm về phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, tình hình cơ sở vi phạm về sử dụng nguyên liệu đầu vào chế biến khô cá, mắm cá có nhiễm kháng sinh cấm sử dụng trong thủy sản tăng 2 vụ so cùng kỳ. “Những loại kháng sinh này được phép sử dụng cho động vật nuôi trên cạn nhưng cấm sử dụng đối với nuôi thủy sản; có nhiều trường hợp hộ nuôi cá chưa biết điều này nên vi phạm” - ông Hiệp đánh giá.

Do vậy, thông qua hoạt động kiểm tra, đoàn kiểm tra đã tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về Luật ATTP; Nghị định 115/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Cùng với đó là tuyên truyền ngắn gọn Thông tư 10/2016/TT-BNNPTNT, ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã số hồ sơ đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam; Thông tư 24/2019/TT-BYT, ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, giúp nâng cao kiến thức và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở SXKD. Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin về ATTP tại cơ sở; phát tờ rơi tuyên truyền các hành vi bị cấm trong SXKD khô cá, mắm cá.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp cho biết, thời gian qua, theo phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP, các địa phương có thực hiện kiểm tra, hậu kiểm về ATTP. Tuy nhiên, việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm còn hạn chế, cần được tăng cường hơn nhằm đánh giá được chất lượng sản phẩm. Ông Hiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP; phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở SXKD thực phẩm trên địa bàn quản lý, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ nhằm tạo chuyển biến trong chấp hành pháp luật về ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nguyên liệu đầu vào không rõ nguồn gốc theo quy định pháp luật, góp phần đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. 

UBND tỉnh đã có Quyết định 58/2019/QĐ-UBND, ngày 18/11/2019 về quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về ATTP nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT trên địa bàn tỉnh An Giang. Phòng NN&PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố cần tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu triển khai, thực hiệu có hiệu quả quy định này.

NGÔ CHUẨN