Tạo động lực phát triển vùng đất “Chín rồng”

22/09/2022 - 06:54

 - Dự án thành phần 1 của cao tốc đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (từ TP. Châu Đốc đến huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) quan trọng cấp quốc gia, có khối lượng công việc rất lớn, được tập trung triển khai đầu tư giai đoạn 2022-2026. Để đảm bảo tiến độ dự án, An Giang đang khẩn trương triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp.

Khẩn trương triển khai

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua địa bàn tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ. Quy mô giai đoạn I có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần 1 (An Giang) dài hơn 57km, vốn 13.799 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 (TP. Cần Thơ) dài hơn 37km, vốn 9.845 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 (tỉnh Hậu Giang) dài gần 37km, vốn 9.927 tỷ đồng; Dự án thành phần 4 (tỉnh Sóc Trăng) dài gần 57km, vốn 11.120 tỷ đồng.

Giao thông thuận lợi giúp ĐBSCL thêm cơ hội phát triển. Ảnh: H.C

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang Nguyễn Phú Tân, dự án đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối trung tâm kinh tế trong khu vực, cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển KTXH giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo Nghị quyết 60/2022/QH15, ngày 16/6/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu sở, ngành và các đơn vị khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần 1. Trên cơ sở 2 mốc thời gian quan trọng (khởi công trước ngày 30/6/2023, hoàn thành dự án vào tháng 6/2026), đơn vị phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung công việc, thời gian cụ thể để thông qua ban chỉ đạo, UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình lưu ý, nguồn vật liệu xây dựng cho dự án phải được bố trí, tính toán phân bổ cự ly vận chuyển hợp lý, giảm giá thành. Công tác giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1 phải hoàn thành trước ngày 30/4/2023.

Trên cơ sở kết quả đo đạc, điều tra, khảo sát sơ bộ số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, UBND TP. Châu Đốc, huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, chủ đầu tư, tổ chức họp dân công bố chủ trương, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án để người dân hiểu, đồng thuận.

Đồng thời, rà soát nhu cầu tái định cư của người dân có đất ở bị thu hồi, số hộ tự lo tái định cư và số hộ có nhu cầu bố trí nền tái định cư, để có phương án bố trí tái định cư phù hợp, kịp thời, đảm bảo điều kiện đời sống, sinh kế của người dân.

Khởi công trước 30/6/2023

Bộ GTVT vừa yêu cầu tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ khẩn trương triển khai Nghị quyết 91/NQ-CP. Theo đó, các địa phương thành lập ban chỉ đạo dự án; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để triển khai dự án thành phần. Sở, ngành, địa phương phối hợp chủ đầu tư các dự án thành phần thỏa thuận nội dung về hướng tuyến dự án, đường gom dự án, hầm chui dân sinh, cầu vượt, nút giao… theo một số nguyên tắc.

Hướng tuyến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Về nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng, nhất là vật liệu san lấp, Bộ GTVT yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở, ngành, địa phương rà soát, thống kê mỏ vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Các mỏ hiện đang khai thác, mỏ có trong quy hoạch và mỏ chưa có trong quy hoạch trên địa bàn, cung cấp cho chủ đầu tư, tư vấn phục vụ điều tra, khảo sát, bảo đảm trữ lượng và chất lượng, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Bộ GTVT đề nghị 4 địa phương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần được phân cấp quản lý trước ngày 12/11/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt. Địa phương hoàn thành thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần được phân cấp quản lý trước ngày 20/1/2023; bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023 như kế hoạch đã đề ra.

Dự án hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ An Giang đến TP. Hồ Chí Minh, đồng thời giúp ĐBSCL thuận lợi hơn trong việc xuất khẩu hàng hóa đi các nơi. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được nối liền với cảng Trần Đề, năng lực thông quan khoảng 50-55 triệu tấn/năm, giai đoạn đến 2050 dự kiến đạt 130-150 triệu tấn/năm. Tuyến đường bộ cao tốc này là yếu tố quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển.

THU THẢO