Đưa công nghệ vào ứng phó thiên tai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) là rất đáng biểu dương. Năm 2023 với nhiều mục tiêu lớn hơn, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của Sở NN&PTNT mà UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, cơ quan liên quan cùng nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT An Giang chủ trì phối hợp UBND cấp huyện có rừng xác định các khu vực trọng điểm cháy, có giải pháp ứng dụng công nghệ (camera 360o) phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, phối hợp cơ quan liên quan rà soát các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, đề xuất các công trình, dự án (hoặc lồng ghép) bảo vệ rừng từ nguồn vốn Trung ương và của tỉnh.
Đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện quan tâm phòng, chống hạn, kiệt (nhất là các huyện giáp biên giới); công tác phòng, chống sạt lở bờ sông (bao gồm sạt lở núi), giông, lốc; kết hợp giải pháp mềm trong phòng, chống sạt lở bờ sông; làm tốt công tác hiệp đồng, ứng phó thiên tai; sử dụng có hiệu quả và đảm bảo theo quy định nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh và huyện.
UBND cấp huyện tiếp tục rà sát, xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cộng đồng, đảm bảo tính tinh nhuệ, chuyên nghiệp (cả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra). Trong công tác quy hoạch, đầu tư, cần lồng ghép các công trình, dự án có tính đến giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc cảnh báo thiên tai.
Hình thành trung tâm lúa gạo cấp vùng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, trong định hướng phát triển nông nghiệp, cần xác định các vấn đề trọng tâm của nông nghiệp hiện nay, gồm: Tăng thu nhập cho người nông dân, xây dựng thương hiệu nông sản, sản xuất ổn định, quy mô lớn, đồng bộ, chất lượng; đầu tư hạ tầng logistics (kho bãi, dịch vụ chế biến).
Về tăng thu nhập cho nông dân, ông Trần Anh Thư đề nghị Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT An Giang rà soát, điều chỉnh Đề án đa dạng hóa thu nhập người nông dân (trước đây, được giao Hội Nông dân tỉnh xây dựng), tạo điều kiện cho nông dân đa dạng hóa thu nhập, vươn lên phát triển bền vững. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với chuỗi giá trị lúa gạo, giao Sở NN&PTNT An Giang cùng với UBND cấp huyện tích cực liên hệ các DN tham gia liên kết, nhằm sớm tạo ra hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo tỉnh (có thể tạo ra từ 3-4 hệ sinh thái). UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan sớm xây dựng đề xuất gửi Bộ NN&PTNT về hình thành Trung tâm phân phối, chế biến lúa gạo cấp vùng tại Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành). Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu nâng cao giá trị gạo từ chế biến phụ phẩm, xây dựng thương hiệu gạo, giảm phát thải khí nhà kính…
Đối với sản xuất rau màu, khuyến cáo nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường; xây dựng mã số vùng trồng cho rau màu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở NN&PTNT được giao nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh sử dụng các nguồn vốn hợp pháp, đúng quy định để hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái có trọng tâm, trọng điểm.
Sở NN&PTNT An Giang được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh xây dựng Đề án khuyến nông cộng đồng cấp xã và đề xuất thành lập tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã (do lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng). Tổ khuyến nông cộng đồng có nhiệm vụ: Tư vấn hình thành các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) ở địa bàn xã; gắn kết nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và các DN khác; đưa sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử. Đối với kinh phí hỗ trợ tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã, giao Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh.
Về liên kết sản xuất cá tra, ông Trần Anh Thư đề nghị tiếp tục quan tâm mở rộng vùng chuyên canh giống cá tra, vùng nuôi cá tra thịt chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chuỗi giá trị thủy sản khác, như: Cá lóc, cá thát lát để xuất khẩu sang thị trường Campuchia và các nước khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị Hội Nông dân tỉnh chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền cho nông dân có ý thức vươn lên tích lũy, làm giàu chính đáng; đề xuất UBND tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. |
NGÔ CHUẨN