Tất bật vụ quýt Tết

30/12/2022 - 02:35

 - Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng quýt đường ở xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tập trung cắt bỏ quýt nhỏ, da xấu, chăm sóc cây cho vụ quýt Tết năm 2023.

Chăm sóc trái quýt đường cho vụ Tết

Đưa chúng tôi thăm vườn quýt xen canh cam sành (4 công quýt đường, 4 công cam sành), nhưng trái lìa cành nằm chất đống ở gốc cây, mương nước, bà Phượng (54 tuổi, ngụ ấp Nam Huề) giải thích, đang “tuyển trái” để dưỡng cây. Cây quýt đường vào tuổi sinh trưởng cho trái khá sai. Nếu chủ vườn không mạnh dạn bỏ trái nhỏ, da xấu ảnh hưởng đến chất lượng của cây.

Một cây chỉ cần chừa lại vài chục ký để dưỡng cho vụ Tết là được. Bởi, quýt đường vào vụ Tết có giá khá cao, người mua chưng Tết nhiều, đòi hỏi trái quýt phải chất lượng, da căng bóng. Vừa dẫn khách tham quan vườn quýt đường hơn 7 năm tuổi, bà Phượng thỉnh thoảng đưa tay cắt bỏ trái quýt da cám. Theo bà Phượng, mấy trái như vậy bán Tết không được.

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Thành chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, mô hình trồng quýt đường kết hợp cam sành được áp dụng khá rộng rãi. Có quê tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) nên bà Phượng khá am hiểu về cây quýt đường.

Tìm đến xã Bình Thành mướn đất trồng quýt đường xen cam sành, bà khẳng định thổ nhưỡng nơi đây rất tốt cho cây có múi sinh trưởng, phát triển. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, hiểu đặc tính của các loại cây, chỉ hơn 1 năm chăm sóc, cây bắt đầu cho trái. Tuy nhiên, để cho cây tập trung chất dinh dưỡng phát triển, bà hái bỏ lứa trái này, tiếp tục đầu tư, chăm sóc. Sang năm thứ 3, khi cây đã trưởng thành, đủ điều kiện cho trái mà vẫn khỏe mạnh, bà Phượng mới để kết trái.

“Cây quýt đường và cây cam sành có đặc tính giống nhau, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, người trồng chỉ cần bón phân, tưới nước hợp lý, cũng như thường xuyên thăm vườn, phát hiện sâu hại để phòng trừ kịp thời. Quýt đường mỗi năm thu hoạch 1 vụ chính, những trái nhỏ, chưa kịp bán vụ chính thì có thể dưỡng bán lai rai, thu nhập rất ổn.

Tôi vừa cân cho thương lái hơn 15 tấn quýt đường chính vụ, giá 20.000 đồng/kg. Hiện, vườn còn hơn 3 tấn quýt đường. Số này đang được tập trung dưỡng trái, chăm sóc để ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Kinh nghiệm của tôi, giá bán Tết thường cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng quýt” - bà Phượng cho biết.

Trồng quýt đường xen cam sành, cam xoàn hơn 15 công từ đất lúa kém hiệu quả, bà Phạm Thị Ngọc Duệ cho biết mình trồng cây có múi hơn 8 năm. Cũng dưỡng cây đến năm thứ 3 mới bắt đầu để trái, mỗi loại thu hoạch chính vụ đạt trên 20 tấn. Đầu tư ban đầu mỗi công khoảng vài chục triệu đồng, nhưng qua vài đợt thu hoạch, gia đình bà Duệ đã thu hồi vốn. Những vụ tới, bà Duệ đang hưởng “trái ngọt” từ thành quả bao năm vun trồng. Hơn 1 tháng trước, vườn bán cho thương lái hơn 20 tấn quýt đường, giá 12.000 đồng/kg. Năng suất vụ này thấp hơn, một phần do ảnh hưởng của thời tiết.

Theo kinh nghiệm trồng cây có múi của bà Duệ, để chất lượng trái bảo đảm nên trồng thưa. Cây hứng đủ ánh sáng, trái sẽ to, tuổi thọ cây kéo dài. Song song đó, nên để số lượng trái phù hợp với tuổi và sức khỏe của cây. Sau mỗi lần thu hoạch trái, phải bón phân, cắt cành tạo tán, loại bỏ cành khô héo, sâu bệnh để dưỡng cho mùa sau.

“Hiện, số lượng quýt đường được dưỡng cho thị trường Tết hơn 3 tấn. Những cành thấp dưới đất, trái lưa thưa, tôi đã cắt tỉa. Giá bán Tết thường cao gấp đôi so với vụ thường, nên nhà vườn tất bật chăm sóc, bón phân, thăm vườn và tuyển trái” - bà Duệ chia sẻ.

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc buôn bán, tiêu thụ hàng nông sản gặp nhiều khó khăn, nhưng quýt đường của gia đình bà Duệ vẫn bán rất chạy. “Nhiều người tìm đến trái quýt như một giải pháp hiệu quả trong việc tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng, ngừa dịch bệnh. Hy vọng vụ Tết này, quýt đường có giá hơn mọi năm để nhà vườn đón Tết sung túc!” - bà Duệ nói.  

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết: “Tổng diện tích trồng quýt đường xen canh cam sành trên địa bàn xã hơn 50 công. Tất cả đều được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả. So với nhiều loại cây trồng khác, quýt đường cho năng suất, giá bán cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Riêng vụ Tết này, bà con dự định bán ra thị trường gần 30 tấn quýt đường. Thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền để nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, với mục tiêu tăng thêm diện tích trồng cây ăn trái, nhất là cây quýt đường”.

PHƯƠNG LAN