Đường vào Thành Cổ rợp cờ đỏ tung bay
Thành cổ Quảng Trị, còn gọi là cổ thành Quảng Trị, di tích quốc gia đặc biệt tại TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, là trung tâm hành chính và pháo đài quân sự của nhà Nguyễn. Trong thời xưa, nơi đây là trái tim tỉnh Quảng Trị. Nổi bật nhất là sự kiện năm 1972, khi thành cổ trở thành biểu tượng toàn cầu với các cuộc chiến ngày đêm, ghi dấu ấn hào hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là minh chứng cho tinh thần bất khuất và lòng yêu nước mãnh liệt.
Thành cổ này là kiệt tác kiến trúc quân sự với kiến trúc hình vuông độc đáo, có chu vi khoảng 2.160m. Tường thành được bảo vệ bởi một hệ thống hào nước xung quanh. Mỗi góc của thành được tăng cường với một pháo đài nhô ra, tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc. Lúc đầu, thành được đắp bằng đất, đến năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Khuôn viên thành có dạng hình vuông với chu vi tường thành dài 2.160m, thành cao 3m, dưới chân dày 13,5m, đỉnh dày 0,72m. Bên ngoài thành có hệ thống hào rộng bao quanh.
Bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài. Thành có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu Xây vòm cuốn, rộng 3,4m, phía trên có vọng lâu, mái cong, lợp ngói, cả 4 cửa đều nằm chính giữa 4 mặt thành. Sau khi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, di tích Thành Cổ được tôn tạo lại bằng cách phục chế các đoạn tường thành bị đạn bắn và làm lại 4 cổng chính. Ở khu vực trung tâm thành có 1 đài tưởng niệm được xây mới hoàn toàn. Đây được coi là ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt vào năm 1972.
Ngôi mộ tập thể này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương mang ý nghĩa sâu sắc là để siêu thoát cho linh hồn những người đã khuất. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái, 4 lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu, trên mái đình là bình thái cực.
Theo quan niệm triết lý phương Đông thì thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái vận hành sinh vạn vật làm vũ trụ phát triển không ngừng. Trên tầng lưỡng nghi gồm hai nửa âm và dương: Nửa bên nước là nửa âm, nửa bên nền đỏ là nửa dương. Người ta quan niệm trong cuộc sống này âm dương luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, như: Giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết đó là hình thái âm dương. Và âm dương không bao giờ hoạt động độc lập mà bao giờ trong âm cũng có dương và trong dương cũng có âm, âm dương hòa quyện vào nhau. Có 81 bậc thang đi lên tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị.
Ngay nửa phần âm, người ta cho làm một cây đèn màu đỏ tượng trưng cho phần dương trong âm. Đèn này có chiều cao 8,1m tượng trưng cho 81 ngày đêm và được ví như “Đèn thiên mệnh”, với chức năng thiêng liêng là chuyển tải linh hồn các chiến sĩ giải phóng quân từ cõi âm về cõi vĩnh hằng. Trên đỉnh của cây thiên mệnh có ngọn lửa mang ý nghĩa là ánh hào quang của cuộc chiến 81 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trên chiến trường Quảng Trị. Giữa cây thiên mệnh người ta làm ba áng mây tượng trưng cho tam tài: Thiên - Địa - Nhân, với ý nghĩa là cầu nối giữa trời, đất và con người. Theo phong tục của người Á Đông, chúng ta thường hay cúng cơm cho người đã khuất, vì vậy, trên cây đèn người ta đắp 3 bát cơm để tượng trưng cho ý nghĩa đó.
Nửa phần dương còn lại được lát bằng nền gạch đỏ là màu của sự sống sự sinh sôi nảy nở. Trên phần dương có một lỗ tròn tượng trưng cho phần âm trong dương, phần âm trong dương này thông vào lòng nấm mồ. Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau về tứ phương, về mặt tâm linh thì đây là nơi hội tụ linh hồn của các chiến sĩ tứ phương về nấm mồ chung này. Ở chính giữa là nơi đặt hành trang người lính: 1 chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, 1 bi đông nước, 1 khẩu súng AK và 1 chiếc ba lô. Giản dị và thân thương mà các anh đã làm nên lịch sử.
Ở giữa 2 phần âm và dương có đặt 1 lư hương để cho mọi người khi đến Thành Cổ thắp một nén hương với lòng thành tâm cầu nguyện mong rằng linh hồn các anh sẽ từ cõi âm theo đèn thiên mệnh siêu thoát về cõi vĩnh hằng và sẽ thanh thản nơi chín suối. Phía bên ngoài tầng lưỡng nghi còn có 81 bức phù điêu là 81 tờ lịch ghi lại từng ngày một của cuộc chiến 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị từ 28/6/1972 - 16/9/1972 theo chiều ngược kim đồng hồ.
Do hàng ngàn chiến sĩ cho đến hôm nay vẫn còn nằm dưới mảnh đất này, vì thế các công trình dưới thời nhà Nguyễn sẽ không còn được phục dựng lại nữa. Thành Cổ được xây dựng thành 1 công viên văn hóa, tưởng niệm và tri ân tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm nơi lại đây. Thăm Thành cổ Quảng Trị, chị Bùi Nhung (ngụ TP. Cần Thơ) xúc động nói: “Là một trong những người may mắn sinh ra trong hòa bình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nên khi nhắc chiến tranh bản thân tôi không thể nào cảm nhận được sự đau thương. Vì vậy, mỗi chúng ta được sống trong hòa bình phải biết nhớ ơn to lớn của các bậc cha anh đã hy sinh để giữ lấy hòa bình cho dân tộc. Và bất cứ ai khi đến với mảnh đất Quảng Trị cũng đừng quên tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã ngã xuống vì dân tộc, nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”.
TIẾN HƯNG