Cây xoài cát Hòa Lộc trở thành cây trồng cho giá trị kinh tế cao
Chính nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của những người làm nông nghiệp ngày càng tốt hơn, sản phẩm làm ra được tiêu thụ dễ dàng; tình trạng sản xuất tự phát được hạn chế, thay vào đó, nông dân và doanh nghiệp (DN) đã đẩy mạnh liên kết để cùng nhau phát triển.
Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Lê Trọng Oanh cho biết, tổng diện tích sản xuất của Tân Châu hiện nay là 12.640ha, gồm: 9.950ha lúa, 1.290ha màu và 1.400ha cây ăn trái. Thị xã đã quy hoạch 8 tiểu vùng đê bao khép kín với diện tích 10.920ha, chu kỳ 3 vụ/năm. Đối với diện tích sản xuất ngoài đê bao, thị xã quy hoạch thành 6 vùng với 1.720ha.
“Từng tiểu vùng, thị xã đều tổ chức họp dân, thực hiện cho được quy hoạch. Cụ thể, vùng nào trồng cây gì, nuôi con gì thì bà con phải thông suốt, thực hiện đồng loạt rồi tổ chức liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền địa phương đóng vai trò định hướng, tạo điều kiện, đồng hành với nông dân và DN. Chính cách làm đó, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, đời sống nông hộ được cải thiện đáng kể” - ông Oanh đánh giá.
Để tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, TX. Tân Châu đã từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất. Hàng năm, địa phương có kế hoạch gia cố, xây mới hệ thống cống, bửng. Trên chiều dài 178km bờ bao, thị xã đã quy hoạch thành 36 tuyến đê bao để bảo vệ sản xuất. Trong vùng đê bao, nhà nước xây dựng 11 cống hộp, 65 cống tròn, 82 trạm bơm điện để tưới, 28 trạm bơm để tiêu úng, bảo vệ 11.083ha chủ động sản xuất 3 vụ/năm.
“Có thể khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp sản xuất ngày càng tốt hơn, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện. Nhờ chương trình này, đường cộ, đường ra cánh đồng được đầu tư, phục vụ rất tốt cho vận chuyển vật tư, nông sản. Giao thông nội đồng phát triển, nông sản trong vùng bán có giá hơn” - nông dân Trần Văn Ơn (xã Tân An) chia sẻ.
TX. Tân Châu ngày nay đã trở thành đô thị loại III, song về kinh tế, nông nghiệp vẫn đóng vai trò là “trụ đỡ”. Nhận thức được vấn đề này, từ sau Đại hội Đảng bộ lần thứ IX (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ nơi đây đã xác định lại thế mạnh, cùng với phát triển kinh tế biên mậu, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, Tân Châu không thể thiếu nông nghiệp. Ban Chấp hành Đảng bộ đã tập trung xây dựng nghị quyết, đề ra chương trình hành động để phát triển tam nông. Từ đó đến nay, lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được chú trọng, nhà nước đóng vai trò định hướng, đồng hành, hỗ trợ nông dân, DN xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, mang tính giá trị gia tăng.
Bên cạnh trồng lúa, rau màu, TX. Tân Châu đã định hướng nông dân phát triển diện tích cây ăn trái để xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Điển hình như ở vùng đất Phú Lộc - Vĩnh Xương, nông dân đã đẩy mạnh chuyển dịch bằng cách trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài keo, xoài tượng da xanh. Trong vụ xoài vừa qua, Hợp tác xã (HTX) trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc đã bao tiêu, mua xoài cát Hòa Lộc của thành viên HTX với giá từ 40.000-55.000 đồng/kg.
Với 1.000m2 trồng xoài (từ 5-6 năm tuổi), nông dân thu nhập không dưới 80 triệu đồng. “Xoài năm nay bán rất có giá. Đầu mùa, xoài cát Hòa Lộc bán tại vườn với giá 55.000 đồng/kg. Sau Tết, giá bán còn hơn 40.000 đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi. Nhà nước định hướng cho nông dân trong vùng bờ bao này trồng xoài là rất đúng” - bà Trương Thị Lệ (thành viên HTX trồng cây ăn trái Vĩnh Xương - Phú Lộc) phấn khởi.
Ngoài 650ha trồng xoài xuất khẩu ở Vĩnh Xương - Phú Lộc, các vùng ngoài đê bao như ở xã Tân An, ngành nông nghiệp đã quy hoạch, định hướng cho nông dân trồng bắp, ớt, đậu bắp, sắn… Vụ Tết vừa rồi, nông dân trồng bắp, ớt đã có một mùa bội thu trên đồng ruộng. “Bình quân mỗi công bắp, chúng tôi bán được từ 5-6 triệu đồng, lợi nhuận tốt hơn mô hình cũ rất nhiều” - bà Lê Thị Lan (xã Tân An) chia sẻ.
“Trên cơ sở xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, thị xã đã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm mang tính giá trị gia tăng, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống nông hộ” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu
Đặng Văn Nê thông tin. |
MINH HIỂN