Cá tra gặp khó
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), dù nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn được duy trì, nhưng gặp nhiều khó khăn. Đối với giống cá tra, tính đến ngày 15-9-2021, tổng lượng sản xuất được khoảng 2,33 tỷ con giống, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi thương phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất ở An Giang (1,07 tỷ con giống), Đồng Tháp (0,75 tỷ con giống). Tuy nhiên, giá cá tra giống loại 30 con/kg hiện chỉ ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000-1.500 đồng/kg so tháng 7, 8-2021.
Về diện tích thả nuôi cá tra mới, tính đến ngày 15-9-2021, đạt 3.516ha, bằng 74,3% so cùng kỳ năm 2020. Diện tích thả nuôi cá tra trong 2 tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) giảm khoảng 50-55% so các tháng trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932.000 tấn, bằng 81,1% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản lượng thu hoạch trong tháng 7 giảm 20%, tháng 8 giảm 44,9%, đặc biệt nửa tháng đầu tháng 9-2021 giảm đến 77% so cùng kỳ. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện ở mức 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội.
Công đoàn thu hoạch cá tra thường hoạt động liên tỉnh
Đến cuối tháng 7-2021, đã có 120/449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất (chiếm 27,6%), đến đầu tháng 9-2021, có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (chiếm 39,2%), do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”. Có 52/106 nhà máy chế biến thủy sản cá tra tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%). Ngoài ra, do thiếu công nhân và chia ca để phòng, chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7-2021).
Đến nay, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn khi số công nhân đi làm giảm, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi 1 mới đạt từ 10-90% (tùy địa phương, doanh nghiệp), tiêm đủ 2 mũi chỉ khoảng 10%; việc đi lại giữa các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn… Với giá thức ăn tăng, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản xuất cá tra giống và cá tra thương phẩm hiện cao hơn giá bán, nhiều doanh nghiệp, nông dân thua lỗ.
Thích ứng dịch bệnh
Tại An Giang, năm 2021, tỉnh có kế hoạch sản xuất 10 tỷ cá tra bột, 2,2 tỷ con cá tra giống 2,2, cá tra thương phẩm 445.000 tấn. Về cơ bản, tỉnh vẫn đang thực hiện
tốt kế hoạch sản xuất. Về nuôi thương phẩm, tổng diện tích nuôi cá tra đạt 1.235ha, (diện tích liên kết chiếm 87%), sản lượng ước 400.000-450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và TP. Long Xuyên. Sản lượng thu hoạch 9 tháng của năm 2021 ước đạt 310.000 tấn, bằng 98,79% so cùng kỳ năm 2020 (giảm 3.800 tấn). Riêng diện tích đang nuôi cá tra thương phẩm của doanh nghiệp hiện đạt 852,7ha tại 37 vùng nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị cần có tiếng nói chung giữa các tỉnh ĐBSCL về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản hoạt động
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng với dịch bệnh COVID-19 theo 3 kịch bản: dịch bệnh nghiêm trọng, dịch bệnh có thể kiểm soát và trở lại trạng thái bình thường mới. Rút kinh nghiệm trong phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, sau khi khống chế được dịch bệnh thì lại thiếu con giống tái đàn, An Giang đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp lớn, như: Vĩnh Hoàn, Việt Úc, Sao Mai, Nam Việt… để chuẩn bị đàn cá tra bố mẹ, hậu bị ngay từ thời điểm này để đáp ứng nhu cầu con giống cá tra cho tái sản xuất.
Nhằm tạo thuận lợi cho ngành hàng cá tra, cũng như chuỗi sản xuất nông nghiệp, An Giang thành lập các tổ phản ứng nhanh từ tỉnh đến cấp huyện, xã để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời. Trong số 19 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, hiện có 13 nhà máy vẫn duy trì hoạt động, 6 nhà máy đã tạm ngưng hoạt động. Tỉnh đã làm việc với 6 nhà máy này, nếu thỏa mãn “3 xanh” (doanh nghiệp xanh, công nhân ở vùng xanh, công nhân có kiểm soát) thì được sản xuất; nếu không đáp ứng “3 xanh” thì có phương án khác để phục hồi sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, phương án sản xuất “3 tại chỗ” chỉ là tạm thời trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài bởi hiệu quả không cao. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị các phương án sản xuất thích ứng với từng tình huống dịch bệnh; chia nhiều dây chuyền, ca, kíp sản xuất để hạn chế thiệt hại khi có ca nhiễm. Đối với các doanh nghiệp thủy sản lớn, cần xây dựng nhiều nhà máy ở nhiều tỉnh khác nhau để linh hoạt tăng, giảm công suất theo tình hình dịch bệnh.
Trong công tác phòng, chống dịch, An Giang tiến hành khoanh vùng nhỏ nhất nhằm hạn chế ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân. Về lâu dài, có thể nghiên cứu cấp “thẻ xanh” cho công nhân ở vùng xanh, vùng vàng có kiểm soát được đi lại nơi sản xuất; đối với công nhân vùng cam, nếu được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch bệnh, cũng được tham gia vào dây chuyền sản xuất…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị các tỉnh ĐBSCL cần có tiếng nói chung trong quy định đi lại, kiểm soát phương tiện, con người; cùng đưa ra công thức chung trong kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là hoạt động có tính chất liên vùng như chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đối với Bộ Tài chính, cần có chính sách hỗ trợ về thuế; Ngân hàng Nhà nước có chính sách về vốn, lãi suất, khoanh nhợ, giãn nợ nhằm giúp các doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp thủy sản, các tỉnh có nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vùng ĐBSCL.
Chuỗi sản xuất cá tra đòi hỏi gắn kết vùng ĐBSCL
Gắn ĐBSCL thành một thực thể kinh tế
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh cho rằng, đặc thù ở ĐBSCL, nơi nào có dòng nước ngọt sông Tiền, sông Hậu kết nối là nghề nuôi cá tra phát triển. Có những vùng sản xuất giống, nuôi cá tra thương phẩm, nhà máy chế biến nằm cách nhau một con sông nhưng khác huyện, khác tỉnh. Do vậy, việc áp dụng quy định phòng, chống dịch theo cách riêng của từng địa phương đang gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến chuỗi sản xuất, thu hoạch, thu mua, vận chuyển, chế biến cá tra. Nguyên nhân do vùng nuôi, nhà máy, công nhân trong công đoàn thu hoạch cá, hộ sản xuất cá giống, cán bộ kỹ thuật kiểm tra giống, công nhân sản xuất… ở nhiều huyện, tỉnh khác nhau nhưng các địa phương, chốt chặn lại áp dụng quy định giấy đi đường, xét nghiệm, quy định cách ly khác nhau. Nhiều công nhân sau khi đi thu hoạch cá, xuống giống ở vùng khác về nhà lại bị cách ly, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt gia đình nên ngại tham gia.
Để phục hồi sản xuất ngành hàng cá tra, bà Trương Thị Lệ Khanh đề nghị các tỉnh ĐBSCL nghiên cứu cấp “thẻ xanh” cho công đoàn thu hoạch cá liên tỉnh, áp dụng công nghệ công nhận dữ liệu lịch sử kiểm tra giữa các địa phương; cấp “thẻ xanh” cho công nhân liên tỉnh lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản. Về phương án sản xuất của doanh nghiệp, cần thống nhất giao Sở NN&PTNT của tỉnh xác nhận, cấp huyện không yêu cầu thủ tục thêm. Nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc cá tra giống, thả giống tái sản xuất, các tỉnh cần thống nhất phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” cho công nhân, cán bộ kỹ thuật, hộ nuôi cá giống, tránh khả năng thiếu hụt giống từ năm 2022. Đối với các vùng cùng thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị 15/CT-TTg nâng cao, cần thống nhất sử dụng kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 từ 3-7 lần/tuần, không áp dụng cách ly khi công nhân di chuyển giữa các tỉnh, huyện…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chuỗi sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở ĐBSCL giống như những mạch máu chằng chịt trong cơ thể; mạch máu nơi này đứt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nơi khác. Dịch bệnh COVID-19 như một phép thử cho tư duy liên kết vùng ĐBSCL. “Chúng tôi đánh giá ở TP. Hồ Chí Minh, dù dịch bệnh diễn ra nghiêm trọng, tác động nặng nề hơn nhưng sẽ phục hồi kinh tế nhanh hơn vùng ĐBSCL. Nguyên nhân do TP. Hồ Chí Minh là một thực thể kinh tế, dễ đồng thuận và thống nhất trong triển khai chiến lược phục hồi sản xuất - kinh doanh. Vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố là 13 thực thể khác nhau, nếu chiến lược khác nhau thì sẽ không thống nhất. Trong khi đó, chuỗi ngành hàng nông nghiệp, thủy sản ở từng tỉnh không thể tách rời nhau. Con cá, con tôm, hạt lúa, trái cây thu hoạch ở tỉnh này nhưng vận chuyển, chế biến, tiêu thụ phải qua tỉnh khác” – ông Hoan phân tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh cùng thống nhất về kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng linh hoạt, có hiệu quả với tình hình dịch bệnh COVID-19. Trong
đó, có tiếng nói chung, công thức chung trong quy định đi lại, kiểm soát dịch bệnh, hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi tính liên kết vùng cao như nông nghiệp, thủy sản. “Sự đồng thuận, thống nhất cao trong vùng sẽ tạo được khí thế mới, tạo động lực, niềm tin để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” – ông Lê Minh Hoan tin tưởng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Y tế xây dựng, hướng dẫn kịch bản để các doanh nghiệp thích ứng với dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tính toán, xây dựng “ma trận” thích ứng trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp, thủy sản, có kịch bản ứng phó chủ động trong những tình huống khác nhau. Các tỉnh ĐBSCL ứng dụng công nghệ, quét mã QR “ma trận” của doanh nghiệp sẽ nắm rõ tình hình hoạt động, đánh giá mức độ an toàn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh liên tỉnh. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN