Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021

26/12/2020 - 15:38

 - Ngày 26-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn và Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh An Giang Võ Hồng Nho chủ trì đầu cầu An Giang.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị  Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đã vào cuộc rất sớm với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chủ động có giải pháp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khéo léo, góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tăng trưởng tín dụng đạt gần 11%...

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước năm 2021 cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém...

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 200 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 ngàn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 ngàn khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so trước dịch), với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 ngàn khách hàng.

Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, từ 6,21% năm 2016 lên 7,02% năm 2019, cao hơn nhiều mức tăng bình quân khoảng 5,9% giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, trong năm 2020 dù tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên cùng với sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt hơn các nước.

Quang cảnh hội nghị  tại đầu cầu An Giang

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tin, ảnh: HẠNH CHÂU