Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chuỗi các dự án hạ tầng quy mô lớn đưa vào hoạt động lần này bao gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn. Ba công trình này có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn ở xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 734 tỷ đồng hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần còn lại 6.729 tỷ đồng là vốn của nhà đầu tư. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do một tập đoàn tư nhân Việt Nam đầu tư, hoàn thành sau hơn hai năm thi công xây dựng.
Là Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất thế giới như Boeing 787, 777 và Airbus A350, A320.
Sân bay quốc tế Vân Đồn có 6 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay. Công suất nhà ga giai đoạn 1 là 2,5 triệu hành khách/ năm; khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.
Chủ đầu tư đã trang bị tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chuỗi hệ thống trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ những thương hiệu hàng đầu thế giới. Đó là: hệ thống đèn hiệu đường băng và sân đỗ đạt tiêu chuẩn CAT II, xuất xứ Bỉ, đảm bảo nguồn điện cấp đáp ứng tiêu chuẩn ICAO sau một giây mất điện.
Máy bay có thể cất và hạ cánh ở hai đầu đường băng; hệ thống trả khay tự động Ilane của hãng Smiths (Đức) được tích hợp máy soi đa chiều đáp ứng tiêu chuẩn dò chất nổ lỏng Euro Standand 3 tiên tiến nhất khu vực châu Á, lần đầu tiên được lắp đặt tại Việt Nam…
Thiết kế Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ của Di sản thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long. Bởi thế, công trình mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, với mái vòm màu đỏ cam rực rỡ tựa những cánh buồm no gió xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.
Đội ngũ kiến trúc sư đến từ Singapore đã đưa rất nhiều khoảng xanh sinh thái vào thiết kế, khiến không gian sân bay ấn tượng như một khu nghỉ dưỡng.
Việc đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ bổ sung thêm một sân bay chất lượng quốc tế trên bản đồ khai thác hàng không của Việt Nam; mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
Dự án Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long ở Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, có tổng vốn 1.032 tỷ đồng, có khả năng đón tàu có tải trọng tới 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (gồm cả hành khách, thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.
Đây là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, xóa “điểm nghẽn” lớn của ngành du lịch tàu biển là các cảng đều đón chung tàu khách và tàu hàng.
Không chỉ đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế, công trình còn tạo ấn tượng với du khách ngay từ hạng mục nhà ga rộng 4.500m2, cao 3 tầng, do kiến trúc sư hàng đầu thế giới - Bill Bensley thiết kế.
Không gian bên ngoài nhà ga hành khách giống như một góc phố cổ bên Vịnh Hạ Long, nhưng bên trong lại sang trọng và bí ẩn như tầng hầm của con tàu biển thế kỷ 13, với hệ thống cột gỗ, trần gỗ và trần thép, nội thất cầu kỳ cùng 27 khung tranh thể hiện hải đồ và tàu biển cổ.
Nhằm kết nối sân bay, cảng biển, tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, với tổng mức đầu tư 11.857 tỷ đồng, được thiết kế tốc độ 100km/h với quy mô 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Vân Đồn từ 90 phút xuống còn khoảng 50 phút.
Cùng với cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đã thông xe đầu tháng Chín vừa qua, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn tạo mạch giao thông cao tốc thông suốt từ Hà Nội đến Vân Đồn, rút ngắn thời gian di chuyển từ 5 giờ xuống còn 2 giờ 30 phút tăng cường kết nối tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Đáng chú ý, sau cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khởi công cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hình thành trục huyết mạch giao thương quan trọng trong khu vực phía Bắc bằng hệ thống cao tốc hiện đại.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tính đúng đắn trong tư duy, nhận thức và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với chủ trương xã hội hóa nguồn lực. Biểu dương và đánh giá cao thành công của Quảng Ninh, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước cần nghiên cứu mô hình này để phát triển, nhân rộng ở địa phương mình, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn, nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.
Thủ tướng cũng ghi nhận những điểm ưu việt của hệ thống các công trình hạ tầng được đưa vào sử dụng lần này tại Quảng Ninh có chất lượng tốt, đảm bảo tính mỹ thuật, giá thành xây dựng và nhất là được thi công trong thời gian nhanh chóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cho rằng mức tổng kinh phí chưa đến 20.000 tỷ đồng để thực hiện cả 3 công trình này là vấn đề mà các cơ quan Nhà nước cần suy nghĩ, tiếp thu trong triển khai các dự án hạ tầng.
Thủ tướng khẳng định, hiệu quả các công trình, dự án quan trọng này chính là du lịch, kinh tế mũi nhọn ở Quảng Ninh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển mạnh mẽ du lịch Quảng Ninh vượt con số 15 triệu khách năm 2018.
Đánh giá cao tinh thần “dám nghĩ, dàm làm” của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong công tác xã hội hóa, đầu tư phát triển hạ tầng, Thủ tướng cho rằng yếu tố này là động lực để đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ tư cả nước về đóng góp ngân sách Trung ương.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng biểu dương và chúc mừng thành công của Tập đoàn Sun Group không chỉ những công trình ở Quảng Ninh mà với nhiều dự án chất lượng cao trên các vùng miền của cả nước.
Thủ tướng cũng cảm ơn nhân dân xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn đã hy sinh lợi ích riêng, di chuyển, dành đất, mặt bằng cho công trình trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự hài hòa lợi ích giữa các bên, ý thức của người dân cũng như trách nhiệm của địa phương.
Chúc mừng thành tựu của Quảng Ninh, Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền và Tập đoàn Sun Group tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ trong khu vực dự án, để thu hút khách du lịch.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan cần đảm bảo vận hành các công trình hạ tầng một cách an toàn, nhất là sân bay, an toàn bay, an toàn công trình, đây là vấn đề lớn cần chú ý.
Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện các công trình phụ trợ kết nối sự phát triển của hệ thống giao thông, nhằm phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc đường bộ, đường hàng không.
Khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết này để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Các cơ quan liên quan cần khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa đạng cả về chất lượng, quy mô, số lượng; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng hướng trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.