Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) cùng các thành viên Đoàn cấp cao Việt Nam dự Tọa đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Buổi tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch và các bộ ngành, đơn vị liên quan tổ chức.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước; đặc biệt Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc đóng góp các ý tưởng vào việc hoạch định chính sách của Việt Nam; đồng thời phát huy vai trò “cầu nối” đi đầu thúc đẩy hợp tác hai nước Việt Nam – Đan Mạch.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng cũng thông tin đến các doanh nghiệp Đan Mạch về những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam như: Lao động trẻ, tốc độ phát triển công nghệ, viễn thông nhanh chóng; tăng trưởng GDP thuộc diện hàng đầu thế giới; hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thủ tướng nêu rõ hiện tại, Việt Nam có hơn 130 Doanh nghiệp Đan Mạch đang kinh doanh và đầu tư tuy nhiên, những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực như: Vận tải biển, đóng tàu, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, chăn nuôi, thủy sản, chế biến thực phẩm, công nghiệp dược, y tế, giáo dục, xây dựng thành phố thông minh…
“Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành cùng các bạn”, Thủ tướng khẳng định và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Đan Mạch sẽ mang đến Việt Nam những công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, thực thi tốt những cam kết của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hướng đến chuẩn mực OECD. Cùng với đó là giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế; phát triển chuỗi cung ứng và thị trường giao dịch; minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (giữa) đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Tọa đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đề cập đến những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch ủng hộ việc Liên minh châu Âu (EU) sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và cùng hợp tác chặt chẽ để thực thi hiệu quả hiệp định quan trọng này sau khi được ký kết; coi đây như một “nàng tiên cá”, một “phép màu” trong hợp tác, đầu tư và vì sự thịnh vượng chung của người dân hai nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Đan Mạch đã giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các dự án đầu tư hợp tác thương mại trong tương lai và đề xuất về biện pháp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam và Đan mạch bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Các nhà đầu tư Đan Mạch cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước Việt Nam – Đan Mạch không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực.
Các nhà đầu tư bày tỏ quan tâm và nêu một số vấn đề với Thủ tướng và Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam trong các lĩnh vực như: Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài; việc quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước tại đô thị thông minh; phát triển năng lượng tái tạo, điện gió…Các nhà đầu tư Đan Mạch đang có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan giảm thiểu thời gian thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam để ưu tiên thời gian cho phát triển sản xuất; cải tiến, tạo điều kiện về mặt thuế quan cho các lĩnh vực như: Phát triển năng lượng và một số lĩnh vực mà Nhà nước khuyến khích…
Trao đổi với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành nhấn mạnh Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và sẵn sàng bán cổ phần những doanh nghiệp lớn cho các đối tác nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch trên cơ sở công khai, minh bạch, cùng có lợi. Hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị và ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện gió, cảng biển, công nghệ cao…. Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành mong muốn doanh nghiệp Đan Mạch mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam là một thị trường lớn, giàu tiềm năng hợp tác, kinh doanh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức