Tiềm năng cây lựu đỏ Peru

11/10/2021 - 05:07

 - Học đại học chuyên ngành kinh tế nhưng có niềm đam mê làm nông nghiệp, vậy là anh Dương Hữu Nghị (xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) rong ruổi từ Nam chí Bắc tham khảo, học tập nhiều mô hình mới, hay và hiệu quả về triển khai tại quê hương mình. Sau khi nghiên cứu kỹ về hiệu quả kinh tế, tính thích nghi, tìm được nhiều hướng đi cho đầu ra nông sản, anh Nghị chọn cây lựu đỏ Peru và cây dâu tây nhiệt đới trồng trên diện tích đất của gia đình.

Bén rễ vùng đất lúa

Để thực hiện ý tưởng mang cây lựu đỏ Peru về phát triển trên vùng đất lúa Thoại Sơn, anh Dương Hữu Nghị bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về giống cây trồng này. Theo anh Nghị, do đây là loại cây trồng mới ở Việt Nam, hầu như chưa có mô hình nào chuyên canh phát triển với diện tích lớn mà phần nhiều chỉ trồng để làm cây kiểng, phong thủy. Đây là thách thức và là cơ hội lớn để anh Nghị bắt tay vào phát triển cây lựu đỏ Peru trên vùng đất lúa Vĩnh Chánh.

Sau khoảng 3 tháng nghiên cứu, đến tháng 4-2021, anh Nghị bắt đầu mua cây giống và triển khai trồng trên diện tích 1ha. Diện tích đất này trước đây trồng lúa, nên khi chuyển qua trồng lựu phải lên liếp, đắp mô cao, thoát nước tốt vì đặc tính của cây lựu dù ưa nước nhưng không chịu ngập. Khi lên liếp trồng cây lựu đỏ Peru, nhà vườn phải đảm bảo gốc lựu cách mặt nước trong mương khoảng 1m thì sẽ đảm bảo tốt cho cây phát triển. Bên cạnh đó, anh Nghị còn thiết kế và cho lắp đặt hệ thống nước tưới tự động để tiết kiệm chi phí sản xuất.

“Cây lựu sau khi trồng bắt đất rất nhanh, cây lớn và phát triển tốt, sau khoảng 6 tháng trồng đã ra hoa, đậu trái. Trước kia, cứ nghĩ cây lựu đỏ Peru sẽ khó trồng vì quá mới với nông nghiệp Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào canh tác mới phát hiện ra nó cực kỳ thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Nói dễ hiểu, nông dân cứ canh tác cây lựu đỏ Peru tương tự như những loại cây có múi, như: bưởi, cam, quýt… là được” - anh Nghị chia sẻ.

Từ khi cây lựu đỏ Peru bén rễ, anh Nghị còn thử nghiệm trồng thêm giống dâu tây nhiệt đới ngay dưới gốc cây lựu, diện tích 5.000m2. Với số lượng vài ngàn gốc dâu tây nhiệt đới này, anh Nghị hướng đến việc thu hoạch trái, bán làm giống hoặc làm cây kiểng.

Theo anh Nghị, vì là loại dâu tây chịu nhiệt, nên thích ứng nhanh và phát triển tốt. Trước khi đưa dâu tây xuống trồng, anh Nghị đã xử lý đất bằng cách phối trộn các loại giá thể phù hợp để cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ cho dâu tây phát triển. Dự kiến, đến Tết Nguyên đán năm 2022, anh Nghị sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 500 chậu dâu tây nhiệt đới.

Cây lựu đỏ Peru trong vườn của anh Nghị phát triển rất tốt

Định hướng bền vững

Ngay từ khi bắt tay phát triển mô hình trồng cây lựu đỏ Peru, anh Nghị đã chọn lựa phát triển theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Do vậy, trong suốt quá trình chăm sóc, hầu như chỉ sử dụng những loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học để cải tạo đất, tăng chất dinh dưỡng để cây lựu phát triển tốt nhất.

Cây lựu đỏ Peru thích ứng tốt với thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương nên từ khi trồng đến nay, hầu như không xuất hiện sâu, bệnh, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo được hướng canh tác hữu cơ đã định hướng ngay từ ban đầu. Hiện tại, những cây lựu trong vườn của anh Nghị có chiều cao rất tốt, khoảng 1,6m và ra nhiều trái.

Ngoài những cây ra trái, với số lượng cây còn lại, anh Nghị dành để nhân thêm giống bằng hình thức chiết cành. Số lượng lựu chiết ra được bán cho những nông dân có nhu cầu chuyển đổi cây trồng, đầu tư phát triển cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh Nghị còn kinh doanh trực tuyến (online), cung cấp những cây lựu phong thủy cho những người đam mê chơi cây kiểng. Đây là hướng phát triển mới và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Canh tác có hiệu quả từ chính hướng đi của mình, anh Nghị không ngần ngại tìm người đồng hành cùng những nông dân muốn chuyển đổi diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang trồng cây lựu đỏ Peru bằng hình thức hợp tác và hỗ trợ. “Một là cung ứng giống với hình thức cho nhà vườn thanh toán 70% tiền cây giống, 30% còn lại sẽ thu khi nhà đầu tư bán được trái (dự kiến thu hoạch sau 1 năm trồng). Hai là nhà vườn sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trái lựu đỏ Peru tươi theo giá thị trường. Với hình thức liên kết này, tôi mong muốn có thể cùng bà con nông dân trong và ngoài tỉnh hợp tác để phát triển, mục tiêu mở rộng diện tích và bao tiêu trái lựu đỏ Peru đến khoảng 15ha” - anh Nghị chia sẻ.

Trong thời gian canh tác, anh Nghị đã liên hệ và tiếp cận với các đối tác để đảm bảo đầu ra, từ các cửa hàng kinh doanh trái cây cao cấp, Bách Hóa Xanh, đến các đơn vị cung ứng nước ép lựu… Vì hướng phát triển bền vững và canh tác diện tích lớn, nên càng có nhiều hướng đi cho đầu ra thì trái lựu càng khẳng định được giá trị kinh tế. Sau khi kết nối, các đơn vị xuống tận vườn tham quan mô hình, đặt ra các vấn đề hợp tác lâu dài. “Cái họ cần là nông sản khi thu hoạch phải được chứng nhận an toàn, bảng công bố về chất lượng sản phẩm... Những vấn đề này không khó vì khi bắt đầu mô hình tôi đã có kế hoạch và vườn trồng đang áp dụng canh tác hữu cơ nên sẽ hoàn toàn đáp ứng được” - anh Nghị nhấn mạnh.

ÁNH NGUYÊN

Nói thêm về giống lựu đỏ Peru, anh Nghị cho biết, đây là giống lựu có trái rất lớn, mỗi trái chín có thể nặng từ 800gr đến khoảng 1kg. Lựu khi chín, ruột có màu đỏ bắt mắt, vị ngọt thanh và đặc biệt mùi rất thơm, giá bán khá cao.