Nông sản An Giang hướng đến những thị trường tiềm năng
Còn nhiều khó khăn
Năm 2022, hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều điểm sáng, khi kết quả thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 3,16%, vượt kịch bản đề ra (2,7%). Trong đó, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng (tăng 2,3%), ngành chăn nuôi đạt 2.079 tỷ đồng (tăng 12,8%), ngành thủy sản đạt 11.595 tỷ đồng (tăng 5,8%).
Tuy nhiên, tại Hội nghị lãnh đạo tỉnh An Giang đối thoại với nông dân năm 2022, nhiều nông dân vẫn băn khoăn về tình hình tiêu thụ nông sản thời gian qua. “Việc tìm đầu ra cho nông sản luôn là mối quan tâm của nông dân hiện nay. Nhìn chung, thị trường phục vụ xuất khẩu đối với lúa gạo, thủy sản và trái cây vẫn còn lúng túng, bị động, khiến đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh có những giải pháp bền vững để giúp tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh ra những thị trường tiềm năng” - nông dân Nguyễn Tấn Nghĩa (huyện Chợ Mới) bày tỏ.
Cùng nguyện vọng trên, ông Nguyễn Văn Két (nông dân huyện Châu Phú) cho biết, giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng, cùng với việc phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến nông dân thêm khó khăn. Mặt khác, do không có đầu ra ổn định nên nông sản luôn bị thương lái ép giá, người nông dân vốn đã vất vả, nay càng thiệt thòi. Vì vậy, ông đề nghị các ngành chức năng đẩy mạnh chính sách trợ giá nông sản, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững để nông dân yên tâm sản xuất.
Tại buổi đối thoại, nông dân các địa phương còn đề xuất ngành chuyên môn đẩy mạnh hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo chính sách phát triển lâu dài cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Nông dân cũng phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ trong thực hiện mô hình chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, nhưng không thực hiện đúng quy định mà chỉ chạy theo lợi nhuận của công ty, nên nông dân chưa thực sự được hưởng lợi trong quá trình tham gia liên kết sản xuất.
Đề ra giải pháp
Trước những kiến nghị của nông dân, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân cho biết: “Để tìm đầu ra cho nông sản, chúng tôi đã làm việc với Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce nhằm kết nối, đưa nông sản của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng của các DN này. Ngoài ra, còn hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của các chủ thể trên địa bàn tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử Voso.vn, sàn Postmart.vn, Shopee, Tiki và giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử các thương vụ (vietnamexport.com)…”.
Theo ông Huân, để hỗ trợ nông sản An Giang đến với thị trường nước ngoài, Sở Công Thương đã đẩy mạnh kết nối, đa dạng hóa thông tin thị trường phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, đã thông qua Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ và Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để nắm tình hình thị trường, nhu cầu nhập khẩu của DN các nước sở tại.
Nhằm chủ động ứng phó với áp lực cạnh tranh, hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: Tăng cường kết nối DN liên kết phát triển vùng nguyên liệu, gắn với tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu của các thị trường; đi sâu hơn vào khâu chế biến; tích cực mở rộng thị trường.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đề xuất một số giải pháp, như: Tăng cường mối liên kết giữa các tác nhân tham gia từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tập trung, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch thực hiện Quyết định 1445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ DN trong tiêu thụ nông, thủy sản; tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho các DN xuất khẩu của An Giang về các hiệp định thương mại tự do, nhất là quy trình xác nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, để hưởng các thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu.
“Năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ 2 “nút thắt” cho quá trình xuất khẩu nông sản, đó là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và xúc tiến mở rộng thị trường. Nếu giải quyết tốt vấn đề này, việc kết nối đầu ra cho nông sản An Giang sẽ thu được những kết quả tích cực hơn. Qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa nông sản tỉnh nhà vươn đến những thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, giúp người nông dân An Giang nâng cao thu nhập” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân khẳng định.
THANH TIẾN