Nhờ trồng dâu đã giúp nhiều gia đình ở núi Cô Tô có thu nhập ổn định
Phụng Hoàng Sơn có khí hậu quanh năm mát mẻ, thích hợp cho sự phát triển của nhiều loại cây ăn trái, trong đó có cây dâu. Trước đây, bà con nông dân nơi đây chủ yếu canh tác cây dâu rừng, trái có vị chua và rất khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hiện nay, cây dâu rừng đang được thay thế bằng cây dâu khác cho năng suất và chất lượng cao, được thị trường đón nhận.
Gia đình anh Đỗ Thanh Tòng (ngụ ấp Tô Trung) hiện đang sở hữu khoảng 60 gốc dâu da xanh, hiện đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Phần diện tích này trước đây là cây tạp, được gia đình anh chuyển đổi để trồng cây dâu và cây sầu riêng.
Anh Tòng cho biết, do đặc thù là địa hình vùng núi, dâu còn nhỏ, tán ít nên năng suất mang lại không cao, anh thu hoạch được khoảng 1 tấn trái. Năm nay, vườn dâu của anh Tòng đang chuẩn bị cho thu hoạch đợt trái thứ 2, nhờ bỏ nhiều công chăm sóc vườn dâu nên anh Tòng tin tưởng rằng, năng suất trái khả quan so với vụ mùa trước.
Theo anh Tòng, cây dâu được trồng từ khoảng lưng chừng lên đến đỉnh núi. Do địa hình núi cao, hiểm trở nên cây dâu phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên; con người ít tác động đến quá trình sinh trưởng của cây dâu. Đặc biệt, nhờ điều kiện tự nhiên thích hợp nên cây dâu ít bị sâu bệnh gây hại, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hầu như không có; sản phẩm trái dâu sau khi thu hoạch có thể xem là sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Theo kinh nghiệm của anh Tòng, đối tượng gây hại chủ yếu cây dâu là rầy nhớt nhưng khá ít, nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất trái.
Cách nhà anh Tòng không xa là vườn dâu Gia Bảo, với khoảng 500 gốc dâu của gia đình anh Trần Hoàng Mê. Anh Mê cho biết, loại cây trồng này "bén duyên" với gia đình anh cách đây khoảng 15 năm, chính nhờ trồng cây dâu đã giúp gia đình anh có thu nhập khả quan, kinh tế ổn định.
Theo anh Mê, cây dâu trồng trên núi cao mặc dù ít bị sâu bệnh phá hại nhưng phải thường xuyên bón phân để cây nuôi trái to. Mỗi năm, anh Mê bón phân hữu cơ 3 đợt: đầu, giữa và cuối mùa mưa. Lượng phân bón không cần nhiều, 1 bao phân có thể sử dụng cho 100 gốc dâu.
Tuy nhiên, trồng dâu “ngán” nhất là tình trạng sương muối. Những năm sương muối gây hại, năng suất trái giảm đáng kể. “Nếu bình quân 1 cây cho 80-100kg trái, khi bị sương muối, năng suất giảm còn một nửa. Hiện tượng sương muối là hoàn toàn tự nhiên, hầu như những người nông dân trồng cây dâu trên núi Cô Tô đều bị ảnh hưởng” - anh Mê thông tin.
Cây dâu trên Phụng Hoàng Sơn bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 11 (âm lịch) đến tháng 4 (âm lịch) bắt đầu cho thu hoạch và kéo dài khoảng 1 tháng sau đó. Sau khi thu hoạch, nông sản này được nông dân vận chuyển xuống chân núi và cân bán ngay cho thương lái, hoặc bán tại vườn phục vụ khách du lịch phương xa. Đầu mùa, sản lượng trái dâu tuy ít nhưng bán giá cao, dao động khoảng 10.000 đồng/kg. Khi vào thời điểm chính vụ, giá bán còn 5.000-6.000 đồng/kg. Đây là mức giá chấp nhận được, bởi chi phí đầu tư cho cây dâu khá ít.
“Với 600 gốc dâu, mỗi năm gia đình tôi thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng, những năm thất mùa, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Đối với cư dân vùng núi, đây là mức thu nhập khả quan vì cây dâu được trồng xen canh với các loại cây trồng khác, nên có thể tạo thu nhập liên tục cho nông dân” - anh Mê chia sẻ.
Ngoài ra, cư dân khu vực núi Cô Tô còn trồng thêm dâu bòn bon (dâu da vàng) để góp phần đa dạng sản phẩm, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường. Cũng như dâu Gia Bảo, dâu bòn bon khá dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao. Nếu như dâu Gia Bảo phục vụ chủ yếu thị trường nội địa thì dâu bòn bon chủ yếu bán qua thị trường Campuchia. Dù phục vụ cho đối tượng nào cây dâu cũng giúp nhiều hộ nông dân núi Cô Tô có cuộc sống ổn định nhiều năm qua.
ĐỨC TOÀN