Đầu tư bài bản
Năm 2020, từ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện Tri Tôn, gia đình ông Đặng Hoàng Hoài Bảo được tiếp cận nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã triển khai xây dựng mô hình trồng chanh ứng dụng công nghệ cao trên phần đất ruộng của gia đình. Mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời. Tổng kinh phí xây dựng mô hình trên 563 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gần 200 triệu đồng, còn lại gia đình đối ứng.
Mô hình được triển khai với diện tích khoảng 10.000m2. Với 4 mặt đê bao tương đương 4 líp trồng: 2 mặt có chiều dài 100m và 2 mặt có chiều dài 82m, chiều rộng 5m. Vườn được thiết kế với 10 líp trồng, mỗi líp có chiều dài 93m, chiều rộng 4m, cao 1,5m…
Ngoài ra, ông Bảo còn xây dựng dàn khung áp mái trên nóc trại và lắp đặt 13 tấm pin năng lượng mặt trời; đồng thời đặt tủ điều khiển, lắp đặt thiết bị chống sét lan truyền. Bên cạnh đó, ông Bảo còn xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước và bón phân tự động với 2 động cơ 3 pha, công suất 4,2Kwh, lưu lượng 124m3/giờ. Đồng thời, lắp đặt hệ thống ống dẫn, bét tưới; hệ thống chứa, châm, hút phân tự động…
Sử dụng pin năng lượng mặt trời giúp chủ động thời gian tưới cây
Với diện tích canh tác trên, gia đình ông Bảo xuống giống 800 cây chanh bông tím, nguồn giống được chọn mua tại nhà vườn uy tín của tỉnh Tiền Giang. Đây là loại chanh dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, cho năng suất cao, chất lượng ổn định. Tại thời điểm xuống giống, địa phương chưa phát triển loại cây trông này nên ông Bảo tin tưởng hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất khả quan.
Hiệu quả khả quan
Sau hơn 2 năm triển khai, ông Đặng Hoàng Hoài Bảo đánh giá cao về tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng chanh so với biện pháp truyền thống. Theo đó, thời gian mỗi lần tưới của mô hình tiết kiệm khoảng 1 giờ, giảm 75% thời gian tưới, hơn 99% công lao động và khoảng 75% nước tưới so với tưới truyền thống.
Một trong những ưu điểm khác là mô hình không phụ thuộc vào điện lưới quốc gia nên chủ động được thời gian tưới, bất kể xung quanh mất điện. Đồng thời, mô hình không tốn chi phí về nhiên liệu trong khâu bơm tưới, thân thiện môi trường, giúp nông dân sản xuất được “nông sản sạch” và tăng thu nhập cho nông dân…
Trồng chanh sử dụng công nghệ cao nên sinh trưởng và phát triển khá tốt. Ông Bảo cho biết, chanh cho trái đợt đầu, năng suất ước đạt khoảng 7 - 10kg/cây. Đến vụ sau, mỗi cây có thể cho khoảng 30kg trái. Ngoài ra, đây là giống cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao. Đặc biệt, chanh có thể cho trái quanh năm và được thị trường rất ưa chuộng nên người trồng không lo đầu ra…
Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình trồng chanh không hạt ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đặng Hoàng Hoài Bảo còn mang nhiều lợi ích về xã hội. Mô hình là nơi để nông dân trong và ngoài địa phương tham quan, học tập và nhân rộng trên địa bàn huyện, tạo “điểm nhấn trong nông nghiệp - điểm sáng tại vùng biên”. Mô hình còn tận dụng nguồn điện vô tận từ năng lượng mặt trời, giảm thiểu khí thải và tiếng ồn từ động cơ diesel, tránh ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng môi trường trong lành tại khu vực nông thôn theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu.
Cũng theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Tri Tôn, mô hình của gia đình ông Bảo là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả trong việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, phá bỏ thế độc canh cây lúa, đồng thời tạo ra nguồn nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường; góp phần hình thành vùng nguyên liệu rau quả xuất sang Campuchia… Đồng thời, giải quyết vấn đề thiếu lao động cục bộ và thời vụ tại nông thôn, góp phần xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã.
Thực tế cho thấy, mô hình của gia đình ông Đặng Hoàng Hoài Bảo có tiềm năng nhân rộng khá cao. Tuy nhiên, nhược điểm quan trọng của mô hình là vốn đầu tư tương đối lớn. Do đó, để phát triển mô hình, nông dân cần nhận được sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc vay vốn, kỹ thuật, thị trường… để nông dân mạnh dạn đầu tư, phát triển.
ĐỨC TOÀN