Triệu phú vùng quê

15/05/2019 - 07:39

 - 15 năm trước, ông Lê Bửu Hiền (ngụ ấp Bình Đông 1, xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân) từ bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng, gom hết vốn liếng dắt díu vợ con về đồng sâu cất nhà, rồi đào ao nuôi cá, lập vườn. Nhìn ngôi nhà lọt thỏm giữa bốn bề đồng ruộng mênh mông và nghe về ý tưởng làm ăn lâu dài, ai cũng cho ông “khác người”. Giờ đây, ông Hiền đã chứng minh sự lựa chọn và tư duy của mình bằng hiệu quả thực tế đầy thuyết phục.

Men theo đường mòn bọc quanh đồng ruộng như những vòng cung, đến được nhà ông Hiền thật không dễ. Ông Hiền nói vui: “Ở một mình ngoài này mới không… đụng hàng, sản phẩm mình nuôi, trồng mới bán được”. Mấy năm trước, ông nổi tiếng là nông dân “mát tay” thực hiện thành công mô hình vườn - ao - chuồng, tuy nhiên do biến động của thị trường, cùng với tuổi cao, nay thu hẹp chỉ còn nuôi cá và trồng vườn, song vẫn cho thu nhập khá và ổn định. Chưa kể ở nơi đồng sâu, ông ươm dừa giống, trồng rau, trái cây có sẵn, cần ăn là có, cần bán cũng được.

Mô hình vườn – ao của nông dân Lê Bửu Hiền

Mô hình đa canh không phải là mô hình mới, địa phương nào cũng có người thực hiện thành công. Nhưng nghe ông Hiền kể về cách sản xuất của riêng mình, mọi người không ngớt trầm trồ. Giải pháp lấy ngắn nuôi dài và tính toán làm sao để giảm chi phí khi kết hợp giữa nuôi - trồng giúp ông mang về hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình. Ông Hiền kể, ngán cái cảnh cả nhà phải “rày đây, mai đó” theo nghề chăn vịt chạy đồng, ông mong mỏi có điểm dừng để con cái thuận lợi học hành, vợ chồng đỡ phần cơ cực. Đi đến đâu ông cũng để ý xem cách người khác làm ăn, sản xuất ra sao, ham nhất là những mô hình làm vườn, nuôi cá. Ông trở về quê để hiện thực hóa nguyện vọng, sự cần cù chịu khó cộng với tinh thần cầu thị, tích cực học hỏi, ông Hiền liên tục bổ sung kiến thức khoa học - kỹ thuật vào vốn kinh nghiệm sản xuất để phát triển mô hình.

Lão nông 55 tuổi mon men đi hái dừa đãi khách. Những thân dừa cao chót vót sai buồng, trái nào cũng cho nước ngọt lịm, tỏa lá che mát trọn “cơ ngơi” gồm chỗ ở lẫn ao cá, cũng là cây “hái ra tiền” được ông chăm sóc hơn chục năm qua. Ông Hiền cho biết, lúc mới về lập nghiệp, ông chọn nuôi cá và trồng ổi, mãng cầu. Qua nhiều năm, lấy thu nhập từ cây ngắn ngày đầu tư phát triển vườn ngày càng rộng, tăng thêm số lượng cá nuôi và “dưỡng” dừa để thu hoạch dài hạn. Nói là chăm sóc nhưng dừa sinh trưởng tự nhiên là chính, đến mùa mưa chỉ bón thêm phân chuồng là đủ. Hơn 200 gốc dừa phải hái hàng tuần, thậm chí hàng ngày, trái khô bán có giá hơn trái tươi, mỗi tháng thu hoạch được 1.000 trái, bỏ cho bạn hàng đem về khoản thu hơn 100 triệu đồng/năm. Sát bên nhà, ông Hiền đào ao nuôi cá, đón theo thị trường thả nuôi mỗi năm các loại khác nhau, lâu bền có cá hô, cá nàng hai, cá vồ đém, cá rô… Ông Hiền chia sẻ, phải nuôi xen kẽ như vậy để “trừ hao” có vụ thị trường xuống giá, loại này bù lỗ cho loại khác. Chỉ tính riêng cá vồ đém thả 12.000 con, hàng năm bán với giá 30.000 đồng/kg, thu nhập 300 triệu đồng, lời gần 200 triệu đồng; 3 vèo cá nàng hai nuôi 9 tháng thu hoạch 1 đợt cho hiệu quả kinh tế tương đương. Trong đó cá nàng hai là loài sống tầng nước trên, sẽ tạo thức ăn cho cá vồ đém ở tầng nước thấp, trong suốt 9 tháng ông tiết kiệm được chi phí thức ăn đáng kể, dịch bệnh rất ít. Còn đàn cá hô hơn 300 con đã nuôi được 4 năm, chuẩn bị thu hoạch, dự kiến mang về nguồn thu khá “bộn”.

Trên mảnh đất 10.000m2, kiên định mô hình ao - vườn đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn mà vẫn an nhàn giữa đồng quê, liên tiếp các năm ông Lê Bửu Hiền đều được Hội Nông dân xã, huyện xét công nhận là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu. Ông Hiền còn đóng góp rất nhiều cho địa phương qua nhiều nguồn quỹ, an sinh xã hội, làm đường, cất cầu. Ngẫm lại chục năm sống giữa đồng sâu, ông nhẹ người nhìn các con lần lượt khôn lớn, học hành thành đạt và ai cũng có cơ ngơi đàng hoàng. Hiện nay, ông bà an nhàn gắn bó với mảnh đất nhỏ và xem việc nuôi trồng là thú vui giải khuây.

MỸ HẠNH