Từ trưa 15-11, phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có nơi gió giật cấp 11

15/11/2020 - 14:15

Sáng 15-11, tại cuộc họp ứng phó với bão số 13 tại Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, đến 8 giờ ngày 15-11, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 12.

Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 13). Ảnh: nchmf.gov.vn

Dự báo từ 8 giờ đến 14 giờ ngày 15-11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 15-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào.

Ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh, người dân cần đặc biệt lưu ý, sau khi đổ bộ vào đất liền, do tương tác với địa hình, trên đất liền từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có gió giật mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11 người dân cần đặc biệt lưu ý không chủ quan để đảm bảo an toàn.

Từ ngày 15-11 đến ngày 16-11, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80 mm. 

Tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương Phạm Kiên cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ động cắt điện của 283 xã thuộc 6 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13. Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiến cứu nạn cho biết đã cử 2 đoàn công tác vào Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế ứng trực tại các địa điểm có nguy cơ cao, hỗ trợ người dân neo, đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 13, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão để kịp thời chủ động ứng phó sau bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi có yêu cầu. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê biển nhất là các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, các khu vực trọng điểm đê điều; tiếp tục tổ chức vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn công trình và chủ động cắt lũ cho hạ du; kiểm tra, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong thời gian bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão; đảm bảo an ninh trật tự tại những khu vực sơ tán dân đi và đến.

Theo HOÀNG NAM (TTXVN)